Việt Phát (VPG): Tổng nợ gấp 3 lần vốn tự có, muốn vay tiếp ngân hàng tối đa 450 tỷ đồng

(Banker.vn) Thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Việt Phát (VPG) tăng gấp 3 lần so với đầu năm, lên gần 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm đến 1.680 tỷ đồng, tăng thêm 1.167 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn.
Việt Phát (VPG): Tổng nợ gấp 3 lần vốn tự có, muốn vay tiếp ngân hàng tối đa 450 tỷ đồng

Năm 2022, mặc dù doanh thu của VPG tăng 42% so với cùng kỳ, đạt trên 5.520 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm đến 85%, và thấp hơn kết quả thực hiện trong 2020 - năm dịch bệnh bùng phát dữ dội nhất.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) vừa thông qua nghị quyết về việc vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Nam Hải Phòng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tổng hạn mức tín dụng của hợp đồng này là 450 tỷ đồng, bao gồm cho vay, bảo lãnh và LC. Số tiền được dùng để tài trợ các nhu cầu tín dụng ngắn hạn, hợp lý, hợp lệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của VPG, nhưng không bao gồm các phương án đầu tư tài sản cố định.

VPG không công bố lãi suất cho vay, phí và các điều kiện vay vốn khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết sẽ sử dụng sổ/thẻ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi, và/hoặc bất động sản, máy móc thiết bị/phương tiện vận tải thuộc sở hữu của bên thứ ba, hoặc VPG để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Không chỉ năm nay, năm 2022 vừa qua VPG đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động vay tín dụng. Báo cáo tài chính quý IV cho thấy, thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của VPG tăng gấp 3 lần so với đầu năm, lên gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm đến 1.680 tỷ đồng, tăng thêm 1.167 tỷ đồng sau 1 năm, chủ yếu là vay ngắn hạn.

So với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm (1.480 tỷ đồng), nợ phải trả đang cao hơn 3 lần, cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy mạnh tay của VPG. Chính vì đó, năm 2022, VPG phải chi ra gần 120 tỷ đồng cho các khoản chi phí lãi vay, con số này gấp 3 - 4 lần các năm trước đó.

Lãi vay là một trong những chi phí ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của VPG. Năm 2022, mặc dù doanh thu của VPG tăng 42% so với cùng kỳ, đạt trên 5.520 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm đến 85%, và thấp hơn kết quả thực hiện trong 2020 - năm dịch bệnh bùng phát dữ dội nhất.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPG hiện đang dừng ở vùng giá thấp nhất trong 1 năm, với 12.300 đồng/cp. Hồi tháng 4/2022, VPG từng tăng lên mức lịch sử 57.000 đồng/cổ phiếu (gấp gần 6 lần hiện tại), sau đó giảm mạnh theo diễn biến xấu của thị trường, cũng như ảnh hưởng từ đợt chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu.

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán