Nhằm mục đích phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh do vi rút ARN gây ra, đặc biệt là vi rút SARS-CoV-2 đang gây đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm do PGS. TS. NCVCC. Lê Quang Huấn chủ trì đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc điều trị Covid-19 có tên gọi VIPDERVIR với sự tham gia của Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia và Công ty CP Hóa dược Việt Nam.
PGS.TS Chu Hoàng Hà- Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm - chia sẻ, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, PGS.TS NCVCC Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn Lâm) đã bắt tay nghiên cứu thuốc ức chế vi rút SARS-CoV-2 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của vi rút SARS-CoV-2. Đến nay nhóm đã tạo ra một chế phẩm thuốc y học cổ truyền thực sự có triển vọng trong điều trị bệnh Covid-19.
“Nhóm nghiên cứu đã sàng lọc các hoạt chất chính và xác định tạo được tổ hợp trong các thảo dược có ái lực liên kết mạnh với các đích phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của vi rút SARS-CoV-2 nhằm bào chế được thuốc từ dược liệu” - PGS.TS Chu Hoàng Hà - cho biết.
PGS.TS.NCVCC - Lê Quang Huấn - cho biết: Nhóm đã sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học (Drockinh với phần mềm AutoDock) để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược Việt Nam. Kết quả ngiên cứu tiền lâm sàng cho thấy thuốc VIPDERVIR có khả năng (1)Ngăn cản sự bám dính của vi rút với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của vi rút vào trong tế bào chủ; (2) Ức chế khả năng nhân lên của vi rút trong tế bào, nghĩa là đối với những hạt vi rút đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ cũng sẽ mất khả năng tăng sinh; (3) Kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt vi rút.
Sản phẩm thuốc VIPDERVIR sẽ được sử dụng cho thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mắc Covid-19
Qua thử nghiệm độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Bộ môn Dược lý tại ĐH Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế vi rút H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế vi rút SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và tăng cường miễn dịch tại Bộ môn Dược lý, ĐH Y Hà Nội. Kết quả đã chứng minh thuốc VIPDERVIR an toàn và có tác dụng ức chế phát triển vi rút H5N1 và vi rút SARS-CoV-2, thuốc có tác dụng tăng cường miễn dịch khi thử nghiệm trên động vật. Thuốc VIPDERVIR đồng thời được nghiên cứu bào chế, sản xuất thử nghiệm và đánh giá độ ổn định tại Công ty CP Hóa Dược Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển của virus SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ/CP ngày 20/07/2021, Viện Hàn lâm đã thúc đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu đang triển khai và tại cuộc họp ngày 7/8/2021, Hội đồng Đạo đức - Bộ Y tế đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc VIPDERVIR.
Theo TS.Nguyễn Ngô Quang- Phó Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo, Bộ Y tế, đây là một minh chứng sinh động về việc các bộ ngành thực hiện hiệu triệu chỉ đạo của Chính phủ trong việc ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Cố gắng từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ đánh giá được kết quả thử nghiệm lâm sàng của thuốc trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và tiến tới cấp phép lưu hành cho sản phẩm thuốc VIPDERVIR vào cuối năm 2021. Đây sẽ là tin vui cho chúng ta nhất là đối với công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ và thể vừa trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.
Hiện thuốc điều trị Covid-19 đã được nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình tạo viên nén trên cơ sở các thảo dược Việt Nam (đáp ứng tiêu chuẩn Dược điển), đảm bảo khả năng sản xuất kịp thời phục vụ công tác phòng chống Covid-19 hiện nay.
Thuốc sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong thời gian tới và dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ sản xuất và đưa vào điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. |
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|