Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11 Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, thi hành án năm 2023.
Năm 2023, tình hình tội phạm gia tăng
Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, về tình hình tội phạm, năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: Đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trong bối cảnh đó, toàn ngành kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).
Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Quá trình điều tra, xét xử đã kê biên, tạm giữ trên 389 nghìn tỷ đồng
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí chỉ ra, trong năm 2023, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 168.578 nguồn tin về tội phạm (tăng 13,5%), bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát... Yêu cầu khởi tố 790 vụ án; yêu cầu hủy bỏ 12 quyết định khởi tố vụ án do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 20 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 96.297 vụ/180.556 bị cáo.
Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện vi phạm và ban hành 787 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 70,6%; ban hành 123 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 78%.
Các đại biểu tiếp tục họp tại hội trường sáng ngày 21/11 (Ảnh:Quochoi.vn) |
Công tác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ. Cụ thể, tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 82,5% (vượt 12,5%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,1% (vượt 6,1%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 84,7% (vượt 24,7%); đã ban hành 111 kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm đối với các cơ quan tư pháp.
"Đặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%)"- Viện trưởng Lê Minh Trí thông tin.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát nhân dân tối caotối cao phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến lực lượng công an cấp xã, phường.
Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã nhưng Viện kiểm sát không có cấp xã, nên đây là áp lực rất lớn đối với ngành Kiểm sát.
"Hiện nay, biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ."- ông Lê Minh Trí cho biết.
Cũng theo ông Lê Minh Trí, chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm.
Về công tác chỉ đạo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành các chỉ thị chuyên đề, kế hoạch và văn bản, thông báo kết luận để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; nghiên cứu xây dựng đề án về hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử.
Tích cực tham gia chương trình xây dựng luật; thực hiện nghiêm các vấn đề được Ủy ban Thường Vụ Quốc hội yêu cầu qua Phiên họp Thứ 21. Việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng, thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm của ngành KSND.
Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp tục đổi mới nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra. Theo đó, nêu cao tính chủ động, nỗ lực, phấn đấu nhằm khắc phục dứt điểm một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; thường xuyên đánh giá chất lượng công tác; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm, qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Thu Hường
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|