Vì sao vàng miếng SJC vẫn độc quyền?

(Banker.vn) Dù có quá nhiều bất cập, nhưng nhiều năm qua giá vàng miếng SJC (thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước độc quyền) trong nước chênh lệch cao với giá vàng thế giới.
Giá vàng tăng không ngừng nghỉ, người dân nên mua hay bán? Ngân hàng Nhà nước sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng Giá vàng SJC giảm xuống mốc 70 triệu đồng, nên mua hay bán?

Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề cập tới tình trạng độc quyền vàng miếng, khiến giá trong nước chênh cao so với thế giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, trong những năm trở lại đây, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt thời gian gần đây, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC (thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước độc quyền) trong nước và giá vàng thế giới.

Vì sao vàng miếng SJC vẫn độc quyền?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng thị trường vàng SJC đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập (Ảnh: Thu Hường)

Với mức điều chỉnh liên tục trong tháng 10/2023, đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng.

Đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC- Thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước”- đại biểu Yến cho hay.

Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Thị trường vàng SJC đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập”- đại biểu Yến nhấn mạnh.

Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24. Theo đó, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này.

Thực tế cho thấy, Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộ lộ nhiều hạn chế.

Vì sao vàng miếng SJC vẫn độc quyền?
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ số 4 sáng ngày 24/10 (Ảnh: Thu Hường)

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đã đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định 24 này và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng; Sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng, có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế.

Đại biểu Yến cũng đề xuất ý kiến cân nhắc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Vì sao vàng miếng SJC vẫn độc quyền?
Ông Đỗ Mạnh Hiến phát biểu tại tổ vào chiều 24/10/2023 (Ảnh: Thu Hường)

Liên quan đến vấn đề này ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá người dân ngày càng có xu hướng đầu tư vào vàng, USD, bởi một năm lãi thu được có thể tăng gấp đôi, gấp 3 so với gửi tiền vào ngân hàng.

Nếu Quốc hội, Chính phủ không tính huy động nguồn lực này trong dân, doanh nghiệp cần vốn mà ngân hàng lại siết thì càng thêm khó khăn. Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế huy động vàng, USD đang rất lớn trong dân”- ông Hiến đề xuất.

Tình trạng độc quyền vàng miếng, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so thế giới từng được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp tháng 6/2022. Các đại biểu đề nghị sửa Nghị định 24/2012 sau hơn 10 năm thực thi.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm đó cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trước đó, Nghị định 24 được Chính phủ ban hành trong bối cảnh giá vàng thay đổi liên tục, tỷ giá chịu áp lực lớn, tác động xấu đối với nền kinh tế. Sau khi có nghị định này, Ngân hàng Nhà nước cấm các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đồng thời không nhập khẩu vàng, các nhà băng cũng không được huy động, chuyển đổi, cho vay vốn bằng vàng, tỷ giá USD/VND từ đó đến nay tương đối ổn định.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục