Vì sao rau ngải cứu được ví như thần dược?

(Banker.vn) Ngải cứu được trồng trong các khu vườn của gia đình Việt Nam, đây cũng là cây thuốc nam không thể thiếu trong nhiều bài thuốc dân gian.
Rau ngải cứu: Vị thuốc tốt cho sức khỏe nhưng không ít tác dụng phụ Tại sao ngải cứu được gọi là vua của các loại thảo mộc?

Loại cây này là cây thân cỏ, khả năng sống lâu năm, lá màu xanh mọc so le, có mùi thơm đặc trưng. Theo các nghiên cứu hiện đại, ngải cứu giàu các loại tinh dầu dễ bay hơi, các loại vitamin A, B1, B2, C. Ngải cứu có tính đắng, cay, ấm, đi vào lá lách, gan, thận.

Loại cây này được mệnh danh là vua của các loại thảo dược, có giá trị dược liệu rất cao. Lá ngải cứu tươi giúp đả thông kinh mạch, trừ ẩm, tán hàn, điều hòa khí huyết.

Loại rau dân dã này chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý hiệu quả.

Ngải cứu chứa nhiều tinh chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả, giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh cảm lạnh, ho. Trong Đông y, ngải cứu có tính ấm, giúp cơ thể giải hàn, trừ phong, long đờm, tiêu tan cảm cúm, ho, sổ mũi.

Được mệnh danh là vua của các loại thảo mộc, ngải cứu có tác dụng gì?
Ngải cứu chứa nhiều tinh chất có tác dụng kháng khuẩn

Những người thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt do lưu thông máu kém có thể sử dụng ngải cứu để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Bạn có thể dùng làm thức ăn, nấu các món như canh ngải cứu, ngải cứu rán trứng để tăng khả năng tuần hoàn máu não.

Ngải cứu có chứa artemisinin - một hợp chất chống viêm nên có thể giúp giảm các cơn đau do bệnh viêm khớp gây ra. Một nghiên cứu đã cho thấy bệnh nhân viêm xương khớp đầu gối đã giảm đáng kể các cơn đau sau 2 tuần bôi thuốc mỡ có chứa ngải cứu.

Ngải cứu đã được sử dụng để điều trị chứng đầy hơi, viêm dạ dày. Hợp chất terpenes có trong loại “vua thảo mộc” này có tác dụng kích thích chất nhầy dạ dày và bài tiết đường ruột từ đó giúp làm dịu chứng rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, do có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, ngải cứu có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây tiêu chảy đồng thời giúp cầm tiêu hiệu quả. Loại rau này còn có thể làm giảm axit dạ dày - nguyên nhân gây trào ngược axit và loét dạ dày.

Ngải cứu chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào như vitamin A, C, E, K, canxi, kali, magie, sắt,.... Các chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, ngải cứu chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, polyphenol,... giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do đồng thời làm giảm hoặc trì hoãn tổn thương tế bào do căng thẳng oxy hóa – yếu tố có thể dẫn đến ung thư, viêm mãn tính và các bệnh khác.

Tinh dầu chiết xuất từ ngải cứu là một loại thuốc dùng để chữa vết côn trùng cắn và làm dịu các vết thương trên da hiệu quả. Tinh dầu ngải cứu cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng da như mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vẩy nến nếu sử dụng đúng cách

Lá giải giúp cân bằng estrogen và progesterone trong cơ thể, từ đó giúp phái nữ điều hòa kinh nguyệt. Bên cạnh đó, loại rau này còn tác dụng giảm co thắt cơ trơn tử cung, giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả.

Ngải cứu chứa tinh chất santonin – một chất có tác dụng gây tê liệt và tiêu diệt giun sán hiệu quả. Bên cạnh đó, ngải cứu cũng có tác dụng thanh lọc cơ thể, giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, hỗ trợ điều trị giun sán tốt hơn.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương