Vì đâu NHNN ngừng đấu thầu vàng miếng?

(Banker.vn) Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng biện pháp can thiệp thông qua đấu thầu để hạ nhiệt giá vàng chưa phát huy hiệu quả, giá vàng trong nước sau nhiều phiên đấu thầu thành công không chỉ không được rút ngắn với giá vàng thế giới mà còn tăng gần gấp đôi so với trước đấu thầu.

Sau 6 phiên đấu thầu thành công và cung ra thị trường tổng cộng 48.500 lượng vàng miếng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng, Ngân hàng Nhà nước đã vừa thông báo dừng hoạt động đấu thầu vàng.

Vì đâu NHNN ngừng đấu thầu vàng miếng?
Hình minh họa.

Cụ thể, tối ngày 27/5, Ngân hàng nhà nước đã có thông báo về phương án bình ổn thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng với việc dừng đấu thầu vàng miếng, đồng thời sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6 tới đây. Phương án cụ thể vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước tiết lộ.

Trên thị trường, tính đến thời điểm cuối phiên giao dịch ngày 27/5, giá vàng thế giới đang dừng ở mức 2.358 USD/ounce, quy đổi tương đương 72,44 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng trong nước hiện đang cao hơn tới 17,46 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Trong khi đó, tại thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng, mức chênh so với giá vàng thế giới ở mức khoảng 9,53 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau nhiều phiên đấu thầu vàng miếng thành công và tung thêm ra thị trường lượng lớn vàng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không chỉ không được rút ngắn mà còn tăng gần gấp đôi so với trước đấu thầu.

Do đó, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng biện pháp can thiệp thông qua đấu thầu để hạ nhiệt giá vàng chưa phát huy hiệu quả.

Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, các chuyên gia cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.

Bên cạnh đó, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Vừa qua, ngoài tăng cung qua đấu thầu, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.

Tại nghị trường hôm 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đặt câu hỏi về việc quản lý thị trường vàng. Trong đó, có đại biểu cho rằng Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng thêm nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý, cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng. Do giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu. Bởi giá vàng đem ra đấu thầu gần sát với giá thị trường chứ không phải giá vàng thế giới.

Các chuyên gia cũng cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết được câu chuyện vàng miếng SJC, chứ không giải quyết được câu chuyện căn cơ là nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp vàng trong nước.

Do vậy, cần cho phép được nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Đây là phương án hiệu quả để hạ nhiệt giá vàng trong nước.

Có hai phương án được kiến nghị, một là cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng, hai là Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp.

Từ đó có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.

Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 16/5, bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng bởi các doanh nghiệp đang không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.

"Chủ trương Chính phủ sắp tới thanh tra, kiểm tra thị trường vàng rất đúng để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch. Mua bán vàng phải có hóa đơn. Nhưng nhiều năm nay các doanh nghiệp không được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch.

Vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp nhập vàng để có nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lậu hiện nay rất nhức nhối", bà Hằng nói.

Giá vàng hôm nay 24/5/2024: Vàng nhẫn giảm sâu, vàng miếng cũng “bốc hơi” tiền triệu

Ngân hàng Nhà nước vừa có phiên đấu thầu thành công nhất trong một tháng qua, khi bán gần hết lượng vàng chào thầu, giá ...

6 đơn vị kinh doanh vàng lọt tầm ngắm thanh tra của NHNN

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng đối với 6 đơn vị kinh doanh ...

Vân Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục