Về Sơn Đồng đi hội Giằng bông

(Banker.vn) Hội Giằng bông được tổ chức ngày 6/2 âm lịch hàng năm (5 năm tổ chức linh đình 1 lần) tại làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Lào Cai: Đặc sắc Lễ hội đền Đồng Ân Lễ hội Hảng Pồ ở Đắk Lắk: Đi chợ tìm duyên… Đặc sắc lễ hội đền Đồng Nhân

Hội Giằng bông là hoạt động văn hóa truyền thống với mong muốn cầu chúc những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới, những người có gia đình thì sẽ sinh được quý tử. Giằng bông là phần được trông đợi và náo nhiệt nhất trong lễ hội.

Về Sơn Đồng đi hội Giằng bông

Hàng nghìn người tham gia hội Giằng bông cầu may mắn ở Sơn Đồng. Ảnh lehoi.info

Theo lời các cụ cao niên của làng Sơn Đồng, lễ hội Giằng bông có từ khi thành lập làng. Tương truyền, những ai đoạt được cây bông sẽ nhận được nhiều may mắn. Sự tích này gắn liền với thời Hai Bà Trưng những năm 40 sau công nguyên, ai cướp được cây bông (hoặc chạm vào) sẽ sinh quý tử. Do vậy, cứ đến lễ hội, thanh niên trong làng đều mong muốn giành cây bông. Đây cũng được xem là phần không thể thiếu của lễ hội.

Tục Giằng bông ở làng Sơn Đồng còn gắn với ý nghĩa rèn luyện thể lực, nên chỉ thanh niên trai tráng có đủ sức khỏe mới tham gia phần này của lễ hội.

Hội Giằng bông là lễ hội lớn được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán. Tiêu chuẩn chọn tre làm bông rất khắt khe. Tre phải là cây đực, già, không bị sâu, không kiến, gióng đều nhau. Người vót bông sẽ trực tiếp chọn tre, mỗi cây lấy một đoạn dài hơn 1m, đếm đủ 5 gióng 4 cọc thuộc cung ngũ phúc rồi vót thành bông, sau đó cuốn xù từng gióng và thêm tua cho đẹp.

Theo tục lệ, đầu giờ chiều mùng 6 tháng 2 âm lịch, sau khi làm các nghi thức tế lễ, chủ tế của làng thực hiện tục tung xôi, với ý nghĩa động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa. Cụ chủ tế mang cây bông ra khỏi điện thờ, múa vài vòng ở giữa sân đình.

Về Sơn Đồng đi hội Giằng bông

Cận cảnh cây bông trong hội Giằng bông ở Sơn Đồng. Ảnh lehoi.info

Chủ tế sau khi múa bông sẽ tung cây bông lên để trai tráng trong làng giành lấy. Theo nghi thức sẽ có 2 cây bông được mang ra đình để thanh niên giằng lấy. Cuộc giành cây bông kéo dài khoảng một tiếng, cho đến khi người chiến thắng giơ được cây bông lên cao.

Người giành được bông phải giơ thẳng cây bông và mang vào đình làng trình Thánh. Người chiến thắng phải gửi lại bông ở đình, sau đó về nhà chuẩn bị đồ lễ rồi mới được rước bông về nhà.

Lễ hội Giằng bông Sơn Đồng có từ bao đời nay và đi sâu vào văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Với nhiều người Sơn Đồng, đến nay vẫn có niềm tin vào hoạt động tín ngưỡng trong lễ hội, trong đó có tục Giằng bông. Nhiều người dân vẫn coi cây bông là vật thiêng trong lễ hội. Việc thanh niên tham gia giằng bông là hoạt động không thể thiếu ở lễ hội này.

Hội Giằng bông hàng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong làng và du khách thập phương.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương