VCBS: Dư nợ nhóm khách hàng tái cơ cấu của BIDV khoảng 25.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Các chuyên gia cảnh báo rủi ro khi nợ xấu và nợ tái cơ cấu của BIDV có thể tăng trở lại và chi phí trích lập dự phòng tiếp tục ở mức cao tạo gánh nặng lên tăng trưởng lợi nhuận khi dịch kéo dài.

Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết BIDV cơ bản đã hoàn thành đề án tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước giao cho để bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trong năm 2021, chất lượng nợ xấu của ngân hàng được cải thiện đáng kể khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% cuối năm 2020 về 0,98%, mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó khối nợ xấu lớn nhất (nợ nhóm 5) giảm gần 58%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 219,3%.

Dư nợ của nhóm khách hàng tái cơ cấu ghi nhận khoảng 25.000 tỷ đồng, tương đương 1,8% dư nợ. BIDV đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ tái cơ cấu gia hạn trả nợ gốc với khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Ngân hàng kỳ vọng 95% khách hàng tái cơ cấu sẽ hồi phục và quay lại trả nợ trong năm 2022.

Hiện nay BIDV đã hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu tồn đọng. Với việc trích lập dự phòng gần 30.000 tỷ đồng cho nợ xấu bao gồm 100% dư nợ tái cơ cấu trong năm qua, chuyên gia kỳ vọng chi phí này sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo, tạo đà cho lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.

Nguồn: BIDV, VCBS

Tuy nhiên, công ty chứng khoán cũng cho biết BIDV có cơ cấu danh mục cho vay hướng tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau bao gồm cả một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả và lượng nợ tái cơ cấu lớn.

Do đó, các chuyên gia cảnh báo rủi ro khi nợ xấu và nợ tái cơ cấu của BIDV có thể tăng trở lại và chi phí trích lập dự phòng tiếp tục ở mức cao tạo gánh nặng lên tăng trưởng lợi nhuận khi dịch kéo dài.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán