VCBS dự báo VND mất giá 3%-4%, lãi suất huy động tăng 100 - 150 điểm cho cả năm 2022

(Banker.vn) Trong báo cáo cập nhật vĩ mô gần đây, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, trong bối cảnh thế giới không thuận lợi, VND có thể giảm giá tương đối so với đồng USD với mức giảm quanh 3-4%. Bên cạnh đó, lãi suất huy động được dự báo có thể tăng 100 - 150 điểm cho cả năm 2022. Với việc lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.

VND sẽ giảm giá 3-4% so với USD

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giá bán ngoại tệ từ 23.400 VND/USD (ngày 4/7/2022) lên 23.700 VND/USD, trong bối cảnh USD mạnh lên so với các đồng ngoại tệ. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) từ đầu năm tới ngày 7/9 tăng 820 VND, đạt 23.430/23.740 VND/USD, tương ứng VND giảm giá khoảng 3,6% so với đồng USD. Đây là vẫn mức giảm giá tương đối thấp so với diễn biến giảm giá liên tục của nhiều ngoại tệ khác.

Với động thái tăng giá mua ngoại tệ này, NHNN vẫn đang cho thấy những điều chỉnh kịp thời nhanh chóng, nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường ngoại hối, góp phần giảm áp lực lạm phát và tỷ giá.

Trong giai đoạn này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang trong xu hướng tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát và xu hướng này tiếp diễn trong thời gian tới với thông điệp khẳng định từ Hội nghị Jackson Hole. Chỉ số tăng sức mạnh USD (DXY) liên tục tăng vượt đỉnh trong thời gian qua. Do đó, USD sẽ lên giá và sau đó duy trì sức mạnh tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. Các NHTW lớn khác sẽ phải cân nhắc những điều chính quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh thế giới không thuận lợi, VCBS dự báo VND có thể giảm giá tương đối so với đồng USD với mức giảm quanh 3-4%, tuy nhiên, so với các ngoại tệ khác, mức giảm giá vẫn ở mức tương đối thấp và đảm bảo ổn định vĩ mô.

Lãi suất huy động có thể tăng 100 - 150 điểm cho cả năm 2022

Có thể thấy, FED cũng như nhiều NHTW trên thế giới khác vẫn đang trong quá trình tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát và lần tăng tiếp theo vào tháng 9 được kỳ vọng với mức tăng 50-75 điểm cơ bản.

Tại Việt Nam, trong tháng 8 nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động thêm 20-50 điểm cơ bản, tùy từng kỳ hạn. Từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng 90-110 điểm cơ bản, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn tiếp tục được hiện thực hóa.

Tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.

Gần đây, NHNN đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, điều này được đánh giá là động thái cấp thiết khi nhiều NHTM đã gần cạn room tín dụng. VCBS đánh giá, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản liên ngân hàng. Trong đó, thanh khoản nhiều khả năng sẽ chưa thể sớm dồi dào cho tới khi ghi nhận dòng vốn mới, hoặc các động thái của NHNN (hoạt động trên thị trường mở, công cụ tỷ giá, công cụ lãi suất) hướng đến mục tiêu đảm bảo các cân đối vĩ mô.

“Chúng tôi cho rằng NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo Chỉ thị số 01 ngày 13/1/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”, nhóm chuyên gia VCBS lưu ý.

VCBS cũng đưa ra dự báo lãi suất huy động có thể tăng 100 - 150 điểm cho cả năm 2022. Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

“Trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô như áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng. Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào, điều này phần nào hỗ trợ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng”, VCBS nhận định.

VCBS duy trì dự báo về mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3%/đợt. 

Với các điều kiện hiện nay, nhóm chuyên gia cho rằng các thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng cao vượt lãi suất OMO sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, ít nhất cho tới khi kỳ họp chính sách tiền tệ của FED trong tháng 9 được hiện thực hoá. Xen giữa giai đoạn này, khối lượng tín phiếu trên thị trường mở sẽ dần đáo hạn, hỗ trợ thanh khoản có thể phần nào giúp thị trường hạ nhiệt.

Quỳnh Dương -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ