Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong việc phát huy các nguồn lực của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam giai đoạn hiện nay

(Banker.vn) Là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước hiện tại tạo nhiều cơ hội và thách thức phát triển cho BHTGVN trong thời gian tới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc (SMDT) với sức mạnh thời đại (SMTĐ) đã được Đảng ta tổng kết thành một bài học kinh nghiệm trong lịch sử, là quy luật giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn quá trình vận động và biến đổi của cách mạng nước ta cho thấy: ở giai đoạn cách mạng nào, thời kỳ nào tư tưởng kết hợp SMDT với SMTĐ của Hồ Chí Minh được quán triệt và vận dụng đúng thì cách mạng phát triển mạnh mẽ và giành được thắng lợi, ngược lại thời kỳ, giai đoạn cách mạng nào, xa rời tư tưởng đó, thì cách mạng bị trở ngại và tổn thất. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp SMDT với SMTĐ đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng Việt Nam, đã phát huy được tối đa SMDT, kết hợp SMTĐ, đưa cách mạng Việt Nam từng bước đi tới những thắng lợi vẻ vang.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong kết hợp SMDT và SMTĐ được thể hiện ở các nội dung sau: (i) Đặt Việt Nam trong quỹ đạo chung của thế giới, coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; (ii) Dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ và sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế; (iii) Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên tinh thần làm bạn với mọi nước, không gây thù oán với một ai.

Trong hơn 35 năm đổi mới, quan điểm Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp SMDT với SMTĐ đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay, nước ta là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nước ta có quan hệ ngoại thương với trên 230 thị trường, đã ký trên 90 hiệp định thương mại tự do song phương, hơn 60 hiệp định đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần... Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Những kết quả, thành tựu trên đã đem lại cho đất nước môi trường quốc tế hòa bình, hữu nghị và các điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định tư tưởng về kết hợp SMDT với SMTĐ ngay trong chủ đề Đại hội: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy, việc kết hợp SMDT với SMTĐ là một trong những vấn đề hệ trọng được quan tâm nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy bài học kinh nghiệm mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam về kết hợp SMDT với SMTĐ, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong tình hình mới, cần quán triệt các quan điểm sau: kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: “dân là gốc”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; đoàn kết, hợp tác bình đẳng cùng có lợi; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trước hết, phải luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, với nội hàm cụ thể hiện nay là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia. Đây là cơ sở hàng đầu để Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại trọng đại của đất nước.

Là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước hiện tại tạo nhiều cơ hội và thách thức phát triển cho BHTGVN trong thời gian tới. BHTGVN được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành ủng hộ trong việc tham gia hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Hợp tác quốc tế trong phạm vi khu vực và trên thế giới, hỗ trợ kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế là cơ hội để BHTGVN tận dụng nguồn kiến thức và kinh nghiệm của các nước trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, hiện nay, biến động của thị trường tài chính diễn ra thường xuyên, liên tục. Nguy cơ khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng chu kỳ luôn là thách thức thường trực cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để quản lý và đối phó với khủng hoảng. Thị trường tài chính phát triển nhanh, đặc biệt do ảnh hưởng của khoa học công nghệ, hoạt động tài chính ngân hàng trong thời đại số ngày càng phát triển, fintech thu hút sự chú ý lớn, hoạt động ngân hàng truyền thống và phi truyền thống song song tồn tại, dẫn đến những thách thức trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Nhằm phát huy các nguồn lực bên trong và tranh thủ nguồn lực bên ngoài, BHTGVN cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện trong toàn hệ thống một số quan điểm đổi mới và phát triển như sau: (i) Sự phát triển của BHTGVN góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước; (ii) Kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; (iii) Tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; (iv) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng như các hoạt động nghiệp vụ liên quan; (v) Nhận thức sâu sắc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố then chốt cho sự phát triển nhanh, bền vững của BHTGVN.

Để phát huy có hiệu quả các nguồn lực thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu này, trong thời gian tới, đề xuất BHTGVN thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, có những chủ trương phù hợp nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển BHTGVN thành một tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy hợp lý, hệ thống quản trị điều hành đồng bộ, nâng cao năng lực hoạt động, trình độ người lao động, áp dụng công nghệ hiện đại để tăng cường hơn nữa năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa cao, hiệu quả và đồng bộ trong quản trị điều hành từ Trụ sở chính đến các chi nhánh. Đổi mới công tác người lao động như tuyển dụng, đánh giá người lao động, quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng nhằm hình thành đội ngũ người lao động chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, gắn bó với tổ chức. Ưu tiên đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ lãnh đạo có năng lực. Tăng cường phối hợp với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế, đặc biệt là các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới để có thể tận dụng lợi thế sẵn có về chuyên môn, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý đào tạo của các đơn vị này, giúp nâng cao chất lượng đào tạo tại BHTGVN.

Thứ ba, tăng cường năng lực tài chính của BHTGVN để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi thông qua việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng vốn điều lệ từ nguồn tự tích lũy, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước và đa dạng hóa danh mục đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác phát triển với các tổ chức trong và ngoài nước. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong hầu hết các quy trình quản trị và quản lý của BHTGVN từ Trụ sở chính đến các chi nhánh bắt kịp với sự phát triển công nghệ hiện đại và sự phát triển của ngành ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế quản trị hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống. Mở rộng hợp tác quốc tế với Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hợp tác song phương, đa phương với tổ chức bảo hiểm tiền gửi các nước trên thế giới nhằm tăng cường hiệu quả đối ngoại trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng như các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. BHTGVN từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam.

Như vậy, những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong kết hợp SMDT và SMTĐ có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác chính trị - tư tưởng của lãnh đạo, cán bộ BHTGVN. Và đó cũng là cơ sở khoa học và cách mạng để BHTGVN phát huy các nguồn lực sẵn có và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm cải cách, đổi mới phát triển lên một tầm cao hơn, hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của đất nước và thế giới trong bối cảnh mới hiện nay.

Hoàng Thị Ánh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục