Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến chứng khoán và bất động sản

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước những diễn biến trên thị trường chứng khoán (nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp) và bất động sản thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có những đánh giá cụ thể về những rủi ro và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Báo cáo “thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022” được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thương vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 11/5, cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề cần phải làm rõ thêm, trong đó có liên quan đến: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Hình ảnh tại phiên họp

Xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi

Đối với thị trường chứng khoán, báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày cho biết, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua trái phiếu riêng lẻ; một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.

Ngoài ra, cơ cấu thị trường TPDN còn tồn tại sự mất cân đối, phát hành TPDN riêng lẻ chiếm xấp xỉ 95% tổng giá trị trái phiếu phát hành, phát hành TPDN ra công chúng chỉ chiếm 5% tổng giá trị phát hành, TPDN niêm yết và giao dịch tập trung chỉ chiếm 2% tổng dư nợ thị trường TPDN. Khoảng 70% giá trị TPDN phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán.

Để xảy ra tình trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phát hành của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế; hầu hết các TPDN, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm; việc thiếu các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.

Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, các đại biểu quốc hội cũng bày tỏ lo ngại xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, TPDN sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng và cần khơi thông phát triển. Do đó, đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

“Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường TPDN trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”, Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Làm rõ tình trạng bất ổn trên thị trường bất động sản

Đối với thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn, như sản phẩm không đủ điều kiện để bán, tính pháp lý kém như phân lô, bán nền bừa bãi; đồng thời cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi xung đột lợi ích trên thị trường, quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ. Đồng thời có các giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế…

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho biết, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Do đó, cơ quan này đề nghị chỉ rõ nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong các nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013; do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; hay do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm để có giải pháp khắc phục các vướng mắc, bất cập, đồng thời nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế còn đề nghị báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN… Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị sớm rà soát toàn diện về các vấn đề nêu trên để có biện pháp xử lý thích hợp, trường hợp cần thiết phải thu hồi nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng đất và phát huy hiệu quả nguồn lực này.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tại Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022", Chính phủ cho biết, đến thời điểm hiện tại hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022.

Có thể kết đến như, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Dự kiến sẽ tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đã gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự kiến các văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 5/2022.

Chính phủ đánh giá, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm. Chính phủ yêu cầu, chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ được giao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. “Đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị.

Theo:
    Bài cùng chuyên mục