Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV

(Banker.vn) Trong khuôn khổ phiên họp thứ 53, sáng ngày 23/2/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021, bế mạc vào ngày 7/4/2021 và dự phòng 1 ngày (8/4/2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, về công tác lập pháp: 0,5 ngày, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Hoạt động giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng 9 ngày, trong đó: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 (2,5 ngày).

- Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác (6,5 ngày).

- Xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có).

Khai mạc, bế mạc, trình bày báo cáo, thông qua Luật, Nghị quyết: 1,5 ngày.

Tại Kỳ họp này, các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định (nếu có); Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; Tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 20203.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự kiến nội dung và chương trình Kỳ họp. Nhiều ý kiến cho rằng, Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian cho công tác kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước, vì vậy đề nghị chuyển nội dung cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón sang nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Về thời gian biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chuyển lên đầu Kỳ họp thay vì cuối kỳ họp như trong Dự kiến chương trình. Để đảm bảo đủ thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo luật, đại biểu đề nghị đẩy thời gian cho ý kiến vào ngay sau đầu Kỳ họp.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, có một số ý kiến cho rằng, theo quy định trước và sau mỗi kỳ họp đều tổ chức tiếp xúc cử tri. Riêng năm nay có 3 kỳ họp, theo thông lệ sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11. Bởi nội dung cho công tác xây dựng pháp luật ít, trong khi đó kỳ họp chủ yếu dành thời gian tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, tùy từng Đoàn Đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế có thể linh hoạt tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nếu thấy cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận nội dung thảo luận về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV. Qua thảo luận, các ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về dự kiến chương trình kỳ họp, trong đó bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Chính phủ chuyển Quốc hội Khóa XV xem xét.

Đối với công tác giám sát hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia nên có báo cáo trình bày trước Quốc hội sau gần 01 năm hoạt động, nêu rõ những công việc đã triển khai, là cơ sở để Hội đồng Bầu cử quốc gia bàn giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa nội dung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lên chiều ngày 24/03 để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có đủ thời gian chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo và biểu quyết thông qua. Đồng thời, bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Ủy ban Thường vụ thống nhất khai mạc Kỳ họp thứ 11 vào ngày 24/03/2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước. Vì đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, do vậy cần tăng cường công tác thông tin, truyên truyền; những phiên họp quan trọng sẽ tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, theo quy định trước và sau mỗi kỳ họp sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri nhưng theo thông lệ, Kỳ họp 11 sẽ không tổ chức. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể các Đoàn Đại biểu Quốc hội có thể linh hoạt tổ chức để báo cáo, tổng kết hoạt động tới cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ công việc thực tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cần chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao, bảo đảm công việc được tiếp nối, không có sự gián đoạn.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục