Ứng phó diễn biến khó lường từ thị trường gạo

(Banker.vn) Tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến khó lường đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo, gây lo ngại về vấn đề an ninh lương thực thế giới.
Thị trường gạo toàn cầu đón làn sóng các thỏa thuận liên chính phủ Giá gạo tăng: Tận dụng cơ hội nhưng vẫn đảm bảo ổn định thị trường trong nước

Tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo, gây lo ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Kiểm soát chặt thị trường

Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2 tỷ USD. Với sản lượng gạo cả nước năm 2023 ước đạt hơn 43,1 triệu tấn, ngoài sản lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chế biến, chăn nuôi; theo tính toán nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Như vậy, lượng gạo dành cho xuất khẩu trong các tháng cuối năm còn lại khoảng 2,67 triệu tấn.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá, xuất khẩu gạo 7 tháng qua tăng khoảng 15-20% cả giá trị lẫn sản lượng. Lợi nhuận từ xuất khẩu tăng cao là tin vui cho doanh nghiệp và người dân trồng lúa. Bên cạnh đó, đây cũng là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế từ nay đến cuối năm, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, ông Phú thấy rằng trên thị trường đang có hiện tượng thu gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Gạo là mặt hàng thiết yếu, chiếm phần lớn trong “rổ” tính giá CPI, nếu tăng giá đột ngột sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo. Vì vậy, từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương cùng với doanh nghiệp, người dân phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng và xáo trộn đời sống xã hội.

Mới đây, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; yêu cầu các đơn vị thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước, đồng thời cập nhật tình hình sản lượng gạo tồn kho, ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động bám sát tình hình thị trường toàn cầu để tổ chức phương án sản xuất, giao dịch đàm phán phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu. Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương cũng được chỉ đạo phối hợp các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý; ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ghi nhận từ một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh đã chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm với mặt hàng gạo. Thí dụ tại Bến Tre, Đội Quản lý thị trường số 1 đã khảo sát, kiểm tra 6 hộ kinh doanh gạo trên địa bàn hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm; phát hiện vi phạm và tạm giữ hơn 75 tấn gạo phế và gạo trắng, trong đó có 10 tấn gạo không có nhãn gốc và hơn 65 tấn gạo có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt,…

Tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh các nước lớn về xuất khẩu gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán,... đã tác động trực tiếp đến giá gạo thế giới trong thời gian gần đây. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt, đồng thời đẩy giá gạo ở nhiều quốc gia tăng cao. Tuy nhiên tại Việt Nam trong những ngày qua, có thể thấy giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động, nhất là ở các siêu thị và điểm bán hàng bình ổn giá.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: Thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần lưu ý sự biến động về giá này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống, trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo sẽ dẫn đến tình trạng “già néo đứt dây”.

Ứng phó diễn biến khó lường từ thị trường gạo ảnh 1
Dây chuyền sản xuất gạo "Cơm ViệtNam Rice" xuất khẩu.

Trong nhiều chỉ đạo liên quan đến thị trường gạo, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, Bộ Công thương là làm sao vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Đây là vấn đề đúng và trúng, bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Để bảo đảm an ninh lương thực, điều kiện tiên quyết là cần tích trữ phù hợp.

Bên cạnh đó, tính toán kỹ số lượng gạo bán được đến đâu bởi việc bán hàng hóa với mức giá hấp dẫn là cơ hội không phải khi nào cũng có. Tích trữ là cần thiết, nhưng cần tính toán vừa đủ. Các cơ quan liên quan cần tính toán cẩn trọng, nếu không khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ngành gạo.

Với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Vương quốc Anh rất lớn trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2022, Anh đã nhập khẩu gần 3.400 tấn gạo từ Việt Nam, tăng 24,5% so với năm 2021. Đây là mức khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,6% thị phần.

Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường

Theo thông tin mới cập nhật, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Anh (chiếm 27%) sẽ tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo trong nửa cuối năm 2023. Nếu triển khai tích cực việc tiếp thị, gồm quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội tăng thị phần tại thị trường này.

Mặc dù là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, song gạo Việt Nam xuất sang Anh cũng như nhiều nước khác thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam.

Nên tại thời điểm thuận lợi hiện nay, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung và gạo Việt Nam với chất lượng tốt cũng như lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), các nhà xuất khẩu trong nước cần tận dụng cơ hội “vàng” để yêu cầu các nhà phân phối gạo tại Anh sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam. Đây là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo thế giới và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan triển khai hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; bên cạnh đó, phối hợp các bộ liên quan nhằm khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới,.…

nhandan.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục