Tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giảm, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo?

(Banker.vn) Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới mất giá, nếu cứ cố neo tỷ giá VND/USD ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn so với các nước, theo đó sẽ khó cạnh tranh.

Trong năm 2023, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giảm, doanh nghiệp vẫn chưa hết lo?
Hình minh họa.

Theo đó, lãi suất huy động và cho vay tính đến đầu tháng 11 đã giảm mạnh, thậm chí đã thấp hơn mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, lãi suất cho vay hiện nay không còn cao như thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn lo lắng lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.

Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, NHNN khẳng định chính sách tiền tệ phải xác định được mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn, nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Hiện tại, ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hàng loạt các công cụ đã được nhà điều hành sử dụng để bình ổn tỷ giá như kích hoạt lại kênh bơm hút tiền trên thị trường mở để kiểm soát cung tiền tốt hơn; chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm và nới lỏng biên độ từ +/- 3% lên mức +/-5%... Thậm chí, NHNN cho biết sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ ở mức độ vừa phải đề ổn định tỷ giá và tài trợ cho các nhu cầu ngoại tệ lớn tức thì của doanh nghiệp khi tỷ giá căng thẳng.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 3,9%. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức trên 24.000 VND/USD, trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng giao dịch ở mức khoảng 24.730 – 24.760 VND/USD.

Nhìn về khía cạnh thị trường, tỷ giá tăng sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí mua hàng hoá tăng kéo theo giá bán hàng hóa tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ yếu tố tỷ giá tăng, nhưng thực tế phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hoá xuất khẩu phải nhập khẩu, nên chính doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được hưởng lợi nhiều từ việc tỷ giá USD/VND tăng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.

“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó, điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định, là nhiệm vụ của NHNN. Tại cuộc họp gần đây, tôi cũng đã có nói điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó, đây là một bài toán khó”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích. Đồng thời cũng khẳng định, NHNN theo dõi rất sát tỷ giá hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, tỷ giá của Việt Nam được cơ quan điều hành rất tốt. Tỷ giá tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức hợp lý; vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư.

Theo nhận định của giới chuyên gia, động thái ngừng tăng lãi suất mới đây của Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giúp đồng USD chững lại và sẽ theo xu hướng đi xuống, áp lực tỷ giá sẽ giảm. Bởi thời gian vừa qua, áp lực tăng tỷ giá chủ yếu do giá USD tăng.

Trong khi đó, một số ý kiến lo ngại nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ Tết có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Song, một chuyên gia cho rằng yếu tố vụ mùa năm nay không phải là vấn đề đáng lo, vì nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa không cao như mọi năm do cầu hàng hóa kinh tế thế giới vẫn thấp. Thêm nữa, cán cân thương mại đang thặng dư lớn. Ngoài ra, NHNN đã sử dụng công cụ tín phiếu hút tiền về khá hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong một số thời điểm, việc tỷ giá giữ ở mức cao cũng chưa hẳn đã tốt, nhất là không khuyến khích được xuất khẩu. Chẳng hạn, hiện tại, khi đồng tiền của rất nhiều quốc gia trên thế giới đang mất giá mạnh lên đến hai con số so với USD, nếu cứ cố neo giữ VND ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn so với các nước, khó cạnh tranh. Do đó, việc đồng VND có giảm giá thêm từ nay đến cuối năm cũng là chuyện bình thường.

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 6/11: Đồng USD chứng kiến sự hồi phục đáng kể

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 6/11 ghi nhận đồng USD thế giới bật tăng trong giỏ thanh toán quốc tế. Đồng bạc xanh trên ...

USD Index xuống mức thấp nhất gần hai tháng

Sau thông tin Fed tạm ngừng tăng lãi suất và báo cáo việc làm tháng 10 thể hiện thị trường lao động Mỹ có dấu ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán