Tỷ giá liên tục biến động, liệu NHNN có giảm lãi suất điều hành vào những tháng cuối năm?

(Banker.vn) Việc cân đối giữa tỷ giá và lãi suất là vấn đề nan giải mà NHNN đang phải cân đối. Trước tình hình biến động của tỷ giá, mới đây NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng.

Trong những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND tại hầu hết các ngân hàng đồng loạt vượt mốc 24.500 đồng. Sức ép lên tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát tín hiệu giảm bớt sự dư thừa thanh khoản đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng, thông qua kênh chào bán tín phiếu.

Tỷ giá liên tục biến động, liệu NHNN có giảm lãi suất điều hành vào những tháng cuối năm?
Tỷ giá biến động liên tục, liệu NHNN có giảm lãi suất điều hành vào những tháng cuối năm?

Trong quý III/2023, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh. Theo đó, trong vòng 3 tháng qua, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương 3,3%. Nguyên nhân chính tạo ra áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây được cho là do sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Kể từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %. Đồng thời, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %. Mới đây, NHNN cũng đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng.

Trong báo cáo nhận định phát hành mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB cho rằng mặc dù NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình hình kinh tế đối diện với nhiều khó khăn bằng việc 4 lần cắt giảm lãi suất nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm. UOB nhận định, NHNN có thể sẽ cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,5%). Tuy nhiên, thời gian đã được chuyển sang quý IV/2023 để cân bằng giữa tăng trưởng và áp lực lạm phát. UOB đưa ra cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND là 24.500 trong quý IV/2023, 24.000 trong quý I/2024, 23.800 trong quý II/2024 và 23.600 trong quý III/2024.

Tương tự, tại báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) vào giữa tháng 8 cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023. Điều này nhờ vào việc NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Đồng thời, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.

Nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành ngay trong quý III/2023 này để thúc đẩy quá trình giảm lãi suất huy động và cho vay. Như Chứng khoán Rồng Việt dự báo, NHNN sẽ có thêm một lần cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, sớm nhất trong quý III.

Công ty Chứng khoán Yuanta cũng kỳ vọng NHNN có thể giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm phần trăm vào cuối 2023 hoặc đầu năm 2024. Đưa ra kịch bản tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc Chính phủ sẽ tiếp tục "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế để thúc đẩy đầu tư công khiến NHNN còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Ngoài ra, trong 2 phiên giao dịch ngày 21/9 và 22/9, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Việc NHNN phát hành tín phiếu, hút tiền về được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc NHNN sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá.

Một số chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo và đánh giá, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ trong thời gian tới. Một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường giảm và tín dụng khơi thông. Trước khi có những dấu hiệu mới với nền kinh tế, khả năng hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm.

Trước tình hình tỷ giá như hiện nay, NHNN cũng chỉ có 3 lựa chọn đó là: Hút tiền về, bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá và tăng lãi suất điều hành. Giải pháp hút tiền về là lựa chọn hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay bởi ít gây biến động vĩ mô nhất. Đồng thời, đây cũng là giải pháp "một mũi tên trúng hai đích", vừa giúp ngân hàng giảm lượng tiền dư, vừa giảm áp lực lên tỷ giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng Trung ương trên thế giới thời gian qua đều đồng loạt tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát. Vì vậy các đồng tiền trên thế giới thời gian vừa qua lên giá tương đối lớn. Mỹ có tỷ lệ lãi suất cao nhất trong 22 năm, đây là việc khó trong điều hành lãi suất vì chúng ta đang giảm lãi suất ngân hàng, từ đó làm sức ép tỷ giá hối đoái tăng lên.

Về việc điều hành tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng thừa nhận đây là bài toán rất khó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, về mặt kinh tế học, lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.

Tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, ngân hàng khó chữa “bệnh thừa tiền”?

Nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thách thức khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp ...

Ngân hàng sẵn sàng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này chính là lúc các ngân hàng cần phải cải thiện các chỉ số tài chính tốt hơn ...

NHNN lại hút thêm 20.000 tỷ đồng trong phiên 26/9

Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh ...

Mai Hương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục