Tỷ giá được dự báo có thể sẽ tăng nhẹ vào cuối năm nay

(Banker.vn) Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình hình kinh tế của Việt Nam đang chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, cùng với những áp lực từ thị trường quốc tế… sẽ là những áp lực chính tác động khiến tỷ giá có thể tăng nhẹ.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng nhận định tỷ giá USD/VND sẽ tăng trở lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm nay.

Còn Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì cho rằng với việc Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ để không bị gắn mác thao túng tiền tệ nhờ những lý do chính đáng và cần thiết để xây dựng dự trữ ngoại hối, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng qua (chỉ mua vào khoảng 7-8 tỷ USD). Điều này có thể giúp tỷ giá USD/VND tăng trở lại, giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo bắt đầu từ ngày 11/8/2021, giá mua vào USD trên Sở Giao dịch NHNN và giá thực hiện cho hợp đồng USD giao ngay (ngừng mua ngoại tệ kỳ hạn) là 22.750 đồng, giảm 255 đồng so với trước đó.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh giảm giá mua ngoại tệ. Đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm giá mua ngoại tệ xuống còn 22.975 đồng (giảm 50 đồng so với phiên hôm trước).

Tính từ lần điều chỉnh trước vào đầu tháng 6, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm mạnh xấp xỉ 1% tương ứng 208 đồng nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ giá mua vào ngoại tệ là sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tỷ giá cũng như cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề “thao túng tiền tệ”, Ngân hàng Nhà nước đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất.

Cùng quan điểm, theo VCBS động thái này nhìn chung sẽ giúp bổ sung lượng thanh khoản đáng kể cho hệ thống ngân hàng, bởi trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì “bộ đệm” thanh khoản dồi dào hơn là cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như thị trường tài chính. Cùng với đó, có thể thấy việc thanh khoản dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp hơn là căn cứ để các ngân hàng thương mại tiếp tục tiến hành các chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, động thái Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh giá mua ngoại tệ cho thấy tiền đồng đang lên giá so với USD. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước mua vào với giá rẻ, tăng dự trữ ngoại hối. Nhưng về lý thuyết, tiền đồng tăng giá so với USD thì có lợi cho nhập khẩu và bất lợi cho xuất khẩu.

Song cũng có ý kiến cho rằng, trong kịch bản VND tăng giá dưới 5% so với USD, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu giúp giá hàng hóa được rẻ hơn phần nào kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2021, trên cơ sở mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán