Tỷ giá chênh lệch lớn, lãi suất liên ngân hàng quay đầu giảm mạnh

(Banker.vn) Lãi suất VND vẫn tiếp tục giữ khoảng chênh rất cao so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng.

Đợt biến động mạnh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bình ổn trở lại sau khoảng một tháng. Thay đổi lớn đã thể hiện qua dữ liệu cập nhật các phiên giao dịch đầu tuần này.

Cụ thể, trong ngày 8/6, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước , lãi suất VND bình quân liên ngân hàng qua đêm chỉ còn 1,1%/năm. Mức bình quân này đã giảm rất mạnh so với quanh, thậm chí vượt mốc 1,5%/năm trong đợt biến động vài tuần trước.

Đến phiên ngày 9/6, dữ liệu của thành viên tham gia thị trường cho thấy, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,01 - 0,06% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; trong đó mức chào qua đêm chỉ 1,13%, 1 tuần 1,31%, 2 tuần 1,41% và 1 tháng 1,59%.

Trong khi đó, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giữ nguyên ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng trở lại 0,01% ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 0,15%, 1 tuần 0,19%, 2 tuần 0,24% và 1 tháng 0,34%.

Như vậy lãi suất VND vẫn tiếp tục giữ khoảng chênh rất cao so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng.

Giao dịch đã sôi động trở lại với doanh số qua đêm ở mức cao, sau khi giảm xuống chỉ quanh 80.000 tỷ đồng/phiên vừa qua (nguồn: SBV)

Một điểm đáng chú ý khác, trong tháng 5, khi Covid-19 một lần nữa bùng phát trong cộng đồng, các giao dịch trong nền kinh tế bị ảnh hưởng và một biểu hiện có liên quan là doanh số trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 20-30% so với trước đó.

Doanh số giao dịch qua đêm (loại thường chiếm trên 80% doanh số toàn thị trường liên ngân hàng) trước khi có Covid-19 bùng phát duy trì đều đặn quy mô từ 110-120 nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, khi dịch xẩy ra, quy mô đó nhanh chóng sụt giảm mạnh chỉ còn quanh 80 nghìn tỷ đồng mỗi phiên phổ biến từ trung tuần tháng 5 vừa qua.

Đến nay, doanh số giao dịch qua đêm đã có xu hướng tăng mạnh trở lại, như đến phiên 8/6 đã đạt trên 111 nghìn tỷ đồng. Doanh số tăng cùng lãi suất giảm mạnh phản ánh cân đối vốn của hệ thống thuận lợi, nguồn dồi dào và các nhu cầu vay được đáp ứng với chi phí dễ chịu hơn.

Diễn biến trên có ở thời điểm đã gần kề của dòng tiền lớn chảy ra thị trường. Trước đó, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận khoảng 63 nghìn tỷ đồng số dư tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước - quy mô từng hụt đi trong năm 2020 và đầu 2021.

Cùng đó, từ tháng 7 tới, ước tính có khoảng 82 nghìn tỷ đồng trong số khoảng 159 nghìn tỷ đồng nguồn tiền cung ứng của Ngân hàng Nhà nước qua mua ngoại tệ kỳ hạn bắt đầu chảy vào hệ thống ngân hàng thương mại. Nguồn tiền mới này kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng để bình ổn lãi suất thời gian tới.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán