Tuyên Quang - một ngày về nguồn

(Banker.vn) Sáng 25/02/2023, chúng tôi, đoàn cán bộ, đảng viên Chi bộ Tạp chí Ngân hàng, do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Biên tập phụ trách làm trưởng đoàn, đã lên đường với hành trình về nguồn tại huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, tới thăm Khu Di tích lịch sử Tân Trào và Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam. Đồng hành cùng với đoàn còn có đồng chí Cấn Quốc Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương.
Sáng 25/02/2023, chúng tôi, đoàn cán bộ, đảng viên Chi bộ Tạp chí Ngân hàng, do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Biên tập phụ trách làm trưởng đoàn, đã lên đường với hành trình về nguồn tại huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, tới thăm Khu Di tích lịch sử Tân Trào và Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam. Đồng hành cùng với đoàn còn có đồng chí Cấn Quốc Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương.

Là một huyện miền núi nằm ở phía nam của tỉnh Tuyên Quang, Sơn Dương gắn liền với những dấu ấn lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam, trong đó có lịch sử phát triển của ngành Ngân hàng. Địa hình Sơn Dương có đặc thù của vùng chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, rừng núi chiếm phần nhiều, là nơi sinh sống của mười dân tộc anh em gồm Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, Mông, Sán Dìu, Mường, Ngán. Nhiều năm qua, mảnh đất, còn người ở nơi đây luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh tế huyện Sơn Dương còn nhiều khó khăn; một số thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn thuộc diện khu vực đặc biệt khó khăn.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi xe, trong tiết trời xuân ánh nắng chan hòa, ấm áp, vượt qua chặng đường 130 cây số ngút ngàn cây cối xanh tươi và bừng sáng bởi những rừng hoa ban, hoa mận, qua những căn nhà sàn đơn sơ, giản dị, chúng tôi đã dừng chân ở huyện Sơn Dương.

Sẻ chia khó khăn cùng các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt

Đón chúng tôi có các anh, chị cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang và cán bộ Trường Tiểu học Tân Trào. Biết nguyện vọng chuyến đi này của chúng tôi là được lồng ghép các hoạt động thiện nguyện, thăm hỏi, tặng quà một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, các anh chị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đã nhiệt tình tìm hiểu, liên hệ với Trường Tiểu học xã Tân Trào, chọn ba học sinh là người dân tộc của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Học sinh đầu tiên chúng tôi gặp gỡ là em Nông Ngọc Hùng. Mặc dù đã 9 tuổi, học sinh lớp 3 song Hùng trông chỉ như em bé mới 5 - 6 tuổi, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn khi có hai con thì cả hai đều đang ốm đau, bệnh tật. Hùng bị bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh, lá lách sưng to, bụng trướng, phải thường xuyên nhập viện truyền máu vì thiếu máu. Hiện nay, bố mẹ em đang phải vay tiền nhiều nơi để đưa em xuống Hà Nội điều trị phẫu thuật.
 

 
Thăm hỏi và trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Tân Trào
 
Tiếp theo là em Khổng Tuấn Khanh thuộc diện học sinh nghèo vượt khó. Khanh đang học lớp 5 trường Tiểu học Tân Trào. Gia đình Khanh thuộc diện đặc biệt khó khăn, căn nhà gia đình em đang ở hiện nay được tài trợ bởi chương trình của ngành Ngân hàng và Bộ Công an phối hợp xây dựng.

Học sinh thứ ba chúng tôi gặp gỡ là em Lương Xuân Trường, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tân Trào. Bố mẹ Trường chia tay từ lúc em 3 tuổi và mỗi người đều có cuộc sống riêng, hiện em ở với bà ngoại mà không có sự trợ giúp kinh tế từ phía cha mẹ. Tuy mới học lớp 1 nhưng Trường là một em bé khá hiểu chuyện, mặc dù hơi nhút nhát. Có lẽ một phần do hoàn cảnh sống thiếu thốn sự quan tâm thương yêu, chăm sóc của bố mẹ đã tạo nên sự rụt rè, ngại tiếp xúc với mọi người của em.

Thay mặt Chi bộ Tạp chí Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình đã động viên và tặng quà cho các em, cũng như gửi gắm những lời chúc mong em Hùng có điều kiện điều trị bệnh để nhanh chóng khỏe mạnh trở lại; chúc em Khanh, em Trường tiếp tục phấn đấu, chăm chỉ để có được thành tích tốt trong học tập; chúc gia đình, người thân các em có được sức khỏe để vượt qua khó khăn, tiếp tục đồng hành cùng các con trong những chặng đường tới.

Ba học sinh chúng tôi được dịp gặp gỡ, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, rất cần sự hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng để đem lại cho các em những hy vọng về nghị lực sống và vươn lên trong học tập. Chia tay các em, chúng tôi đều có những suy tư, trăn trở và tự thấy bản thân cần cố gắng hơn nữa trong các hoạt động thiện nguyện này, cùng sẻ chia với những người kém may mắn, những người có hoàn cảnh yếu thế, để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Về Tân Trào - địa danh thiêng liêng của dân tộc Việt Nam

Về thăm Khu Di tích lịch sử Tân Trào - thăm lại Thủ đô lâm thời của khu giải phóng cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã tới các địa điểm lịch sử ghi dấu 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, đó là Cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa, Nhà Công vụ Tân Trào, Đình Tân Trào… Khu Di tích lịch sử Tân Trào có tổng diện tích là 560 ki-lô-mét vuông. Trong Khu Di tích có 18 di tích, danh thắng tiêu biểu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là trung tâm hoạt động cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Khu Di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn là nơi ra đời những quyết sách quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Lán Nà Nưa, chúng tôi được nữ hướng dẫn viên trong trang phục người Tày kể cho nghe những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đó là câu chuyện về Mùa Thu năm 1945, Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây, ngày 13/8/1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân cũng đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức là Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.



Đoàn nghe hướng dẫn viên kể về Lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc để chỉ đạo việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước
 
Lán Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần một cây số về hướng đông; lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp. Lán do đơn vị giải phóng quân dựng để Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 6/1945 đến cuối tháng 8/1945. Lán Nà Nưa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, còn gian ngoài là chỗ Người làm việc và tiếp khách. Tại đây, ngày 04/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Địa điểm Lán Nà Nưa được Bác lựa chọn sau rất nhiều lần cử cán bộ đi khảo sát. Đây là vị trí đáp ứng được rất nhiều yêu cầu chiến lược của Bác đề ra lúc bấy giờ, đó là “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến và tiện đường thoái”: Lán Nà Nưa được dựng ngay dưới chân của dãy núi Hồng, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, men theo quốc lộ chính qua tỉnh Bắc Kạn - Cao Bằng, Bác đã có thể dễ dàng sang được biên giới Trung Quốc; ngoài ra, từ căn Lán Nà Nưa này, đi thẳng ra thị trấn Sơn Dương qua Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc là về được vùng đồng bằng, đặc biệt là về Thủ đô Hà Nội rất thuận tiện.

Thời gian đầu, khi Bác mới về tới mảnh đất Tân Trào, để đảm bảo an toàn cho Bác, mọi thông tin về Bác được bí mật tuyệt đối. Bà con nơi đây đều không biết Bác là Bác Hồ, với trang phục quần áo chàm của người dân tộc Tày, mọi người thường yêu mến gọi Bác là ông Ké cách mạng hay ông Ké Tân Trào.

Thời điểm năm 1945 khi Bác ở Tân Trào cũng là thời điểm nạn đói hoành hành khắp nơi, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đồng cam cộng khổ với người dân nơi đây, Nhân dân ăn gì, Bác ăn thứ đó. Trong bữa cơm hằng ngày của Bác chỉ có món măng nứa lấy ở rừng về, luộc lên chấm với muối. Cơm ăn được chan với nước chè xanh, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng Việt Bắc lúc đó đang là thời điểm mùa mưa, cánh rừng ẩm thấp, muỗi sinh nở rất nhiều, cuộc sống cực kỳ gian khổ nên vào khoảng cuối tháng 7/1945, Bác đã bị ốm rất nặng tưởng chừng không thể qua khỏi.

Câu chuyện kể rằng, hằng ngày, vào mỗi buổi chiều, đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc đó được phân công làm việc ở dưới làng, thường đi bộ lên căn Lán Nà Nưa để báo cáo tình hình công việc với Bác. Lần nào lên cũng thấy Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số thứ tự cẩn thận, rõ ràng. Một buổi chiều như thường lệ, khi đồng chí lên tới căn lán của Bác thì không nhìn thấy Bác ngồi làm việc ở gian phía ngoài như mọi khi mà Bác ngồi ở gian phía trong, lưng tựa vào vách lán, áo ướt đẫm mồ hôi, đôi mắt nhắm nghiền lại, toàn thân Bác đang run lên bần bật vì cơn sốt.

Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống nhưng không thấy đỡ, người càng yếu đi nhiều. Đêm hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xin phép được nghỉ lại cùng với Bác. Tỉnh lại sau cơn sốt kéo dài, có lúc Bác cảm thấy mình không thể vượt qua được, nên mỗi khi nhớ ra điều gì, Người đều căn dặn lại với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bác nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc về Trung ương, đồng thời tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. May sao bà con giới thiệu cho một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần, Bác lại gượng dậy, tiếp tục làm việc ngay, vì còn rất nhiều nhiệm vụ đang chờ Bác phía trước…

Chúng tôi bước từng bước những bậc thang đá trên con đường lên căn Lán Nà Nưa năm xưa, nơi đã từng ghi dấu đặc biệt gắn bó một thời với Bác, bảy mươi chín bậc thang - tượng trưng cho bảy mươi chín mùa xuân của Người, tiếp tục được nghe những câu chuyện về Bác, về Tân Trào. Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tân Trào lại được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, căn cứ địa cách mạng mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc với những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào Tân Trào đối với Bác…

Thăm lại Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng

Rời Khu Di tích lịch sử Tân Trào, chúng tôi về thăm và dâng hương Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam tại thôn Tân Thành, xã Minh Thanh. Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng có diện tích 14.400 mét vuông, trong đó, diện tích cũ là 832 mét vuông và năm 2021 đã được mở rộng thêm 13.543 mét vuông, với nhiều công trình như Khu trung tâm, Nhà truyền thống, Quảng trường, sân vườn... Công trình được ngành Ngân hàng đầu tư tôn tạo, mở rộng và hoàn thành nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951 - 06/5/2021) nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ di tích lịch sử cách mạng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Ngân hàng.

Cách đây gần 72 năm, ngày 06/5/1951, tại Lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay. Đây là sự kiện đánh dấu mốc khởi đầu của hệ thống tiền tệ quốc gia độc lập, mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng, phát triển vẻ vang và tự hào của ngành Ngân hàng. Từ khi được thành lập đến tháng 3/1952, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc làm việc tại xóm Bó Tảng, bản Niếng (nay là thôn Quang Hải), xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ tháng 4/1952, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chuyển về làm việc tại làng Cảy, xã Minh Khai (nay là thôn Tân Thành, xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đến khi về tiếp quản nhà băng Đông Dương vào tháng 10/1954.
 
 
Cán bộ, đảng viên Chi bộ Tạp chí Ngân hàng dâng hương tại Khu Di tích lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam

Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, ngành Ngân hàng Việt Nam đã gặp không ít những khó khăn, gian khổ, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên ngân hàng và đặc biệt là sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con Nhân dân, sự ủng hộ, phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền địa phương thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương đã góp phần giúp hoạt động của ngành Ngân hàng dần đi vào ổn định.

Trải qua gần 72 năm thành lập, xây dựng và phát triển, nhiều thế hệ cán bộ ngân hàng Việt Nam đã nêu cao phẩm chất cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đảm bảo lưu thông tiền tệ thông suốt, phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều cán bộ ngành Ngân hàng đã anh dũng hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng không chỉ là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử phát triển ngành Ngân hàng, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đứng trên đồi cao gió lộng, kính cẩn dâng nén hương thơm trước Di tích lịch sử của Ngành, dưới ánh nắng xuân rực rỡ, chan hòa, chúng tôi hướng xuống hai bên sườn đồi, từng hàng cây lưu niệm được trồng nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành của các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Ngành, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang xanh tươi đâm chồi nảy lộc, như hứa hẹn vào một mùa xuân mới với nhiều triển vọng. Tri ân công lao to lớn và tiếp bước truyền thống quý báu của các thế hệ cán bộ đi trước, chúng tôi, thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay luôn tự nhủ bản thân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đưa ngành Ngân hàng phát triển ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Phúc Lâm (Ảnh: Bùi Duy)

Theo: Tạp chí Ngân hàng