Tuần VN-Index đánh mất mốc 1.100 điểm, cổ phiếu nào là tác nhân chính?

(Banker.vn) Nhóm cổ phiếu ngân hàng có đến 5 mã nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, gồm VPB, TCB, ACB, CTG và BID. Tính riêng 5 mã ngân hàng kể trên đã làm mất gần 8,5 điểm của chỉ số...

Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã có tuần điều chỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Trong tuần, VN-Index đã để mất 39,95 điểm, tương ứng giảm 3,6% để chốt tuần tại 1.077,15 điểm. Diễn biến giảm điểm đã xuất hiện ngay trong phiên đầu tuần, chỉ số sau đó đã có phiên hồi phục tuy nhiên áp lực bán đã kéo VN-Index giảm điểm trong 3 phiên còn lại của tuần. Trong khi đó, HNX-Index kết thúc tuần với 215,28 điểm, giảm 2,48%.

Tuần VN-Index đánh mất mốc 1.100 điểm, cổ phiếu nào là tác nhân chính?

So với diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn trong tuần thì VN-Index có mức giảm mạnh thứ 3 trên thế giới và ngược chiều với hầu hết các thị trường châu Á trừ 2 chỉ số của thị trường Trung Quốc là Hangseng và Shanghai.

Trong bối cảnh các chỉ số liên tiếp giảm điểm, thanh khoản trên 2 sàn lại ghi nhận tăng. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 696 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 33,32% so với tuần giao dịch trước. Trong khi đó, thanh khoản bình quân của sàn HNX tăng 49,88%, đạt hơn trung bình hơn 91 triệu cổ phiếu/phiên.

Dẫn đầu nhóm kéo giảm là hai cổ phiếu “họ Vingroup” gồm VHM và VIC, trong đó, VHM là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất với gần 5,5 điểm kéo giảm. VIC xếp ngay sau lấy đi gần 3 điểm của chỉ số.

Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng có đến 5 mã nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, gồm VPB, TCB, ACB, CTG và BID. Tính riêng 5 mã ngân hàng kể trên đã làm mất gần 8,5 điểm của chỉ số.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng thể hiện sự tiêu cực trong bối cảnh thông tin Fed ngày 02/02 quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên 4,5% - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Động thái này đánh dấu đợt nâng lãi suất chuẩn thứ 8 kể từ tháng 3/2022 trong một nỗ lực kìm hãm lạm phát vốn có lúc đạt đỉnh 40 năm.

Tuy nhiên, trong tuần qua, HDB, VIB, OCB và VCB là những trường hợp ngoại lệ của nhóm ngân hàng. Tiếc là 5 cổ phiếu kể trên chỉ giúp chỉ số tăng tổng cộng hơn 1,5 điểm.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhóm thực phẩm - đồ uống có diễn biến khá tiêu cực. Hai ông lớn đại diện trong ngành là MSN và VNM đều góp mặt trong top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tuần lên VN-Index, lấy đi tổng cộng gần 4,5 điểm của chỉ số.

Rổ VN30 ghi nhận sự chiếm ưu thế của nhóm kéo giảm khi có đến 24 mã góp mặt, dẫn đầu bởi VPB kéo giảm tới gần 6,5 điểm. Ở phía đối lập, có 6 mã kéo tăng chỉ số với một nửa là đại diện đến từ nhóm ngân hàng, tuy nhiên đầu kéo là MWG khi kéo tăng gần 2,5 điểm.

Đối với HNX-Index, nguyên nhân khiến chỉ số này giảm tuần qua chủ yếu đến từ việc KSF giảm hơn 0,8 điểm, xếp sau là PVS kéo giảm gần 0,6 điểm. Phía ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo tăng là VNR chỉ giúp giữ lại cho chỉ số 0,36 điểm.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán