Tuần thăng hoa của cổ phiếu thép, HPG cũng "gỡ gạc" được phần nào

(Banker.vn) Trong tuần, các cổ phiếu thép như HSG, NKG, SMC, TLH, POM, VGS đồng loạt tăng kịch trần trong tình trạng “trắng bên bán”, thậm chí dư mua giá trần hàng triệu đơn vị...

Tuần qua, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc, giằng co quanh khu vực 1.050 điểm. Quyết định tăng lãi suất thêm 0,5% của FED và những dự báo về việc sẽ tiếp tục duy trì đà tăng khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc vào các phiên cuối tuần, phần nào đã tạo áp lực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu thép trở thành điểm sáng có được lực cầu nổi trội nhất. Ở chiều ngược lại, lực bán liên tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu bất động sản khiến cho nhóm này chìm trong sắc đỏ. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,67 điểm lên mức 1.052,48 điểm; trong khi đó HNX-Index giảm hơn 4 điểm xuống mức 212,99 điểm.

Trong tuần, các cổ phiếu thép như HSG, NKG, SMC, TLH, POM, VGS đồng loạt tăng kịch trần trong tình trạng “trắng bên bán”, thậm chí dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Trong khi đó, áp lực chốt lời vẫn hiện hữu trên 2 “ông lớn” HPG, TVN tuy nhiên 2 cổ phiếu này cũng tăng rất mạnh, lần lượt 5,4% và 7,7%.

Với phiên đồng loạt bứt phá mạnh, nhóm cổ phiếu thép đã nối dài đà hồi phục từ đáy hồi giữa tháng 11. HPG (+67%), HSG (+84%), NKG (+91,%), SMC (+56%), TLH (+62%),... đều đã tăng hàng chục % trong một tháng trở lại đây. Riêng “anh cả” HPG đã leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng.

Tuần thăng hoa của cổ phiếu thép, HPG cũng

Đà tăng mạnh từ đáy giúp các doanh nghiệp thép “gỡ gạc” được hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa chỉ sau một tháng. Với quy mô “khổng lồ”, Hòa Phát đã nhanh chóng lấy lại 47.700 tỷ đồng (~2 tỷ USD) qua đó trở lại top 10 doanh nghiệp giá trị nhất HoSE với vốn hoá 118.600 tỷ đồng. Dù vậy, con số này mới chỉ bằng chưa đến một nửa thời điểm đỉnh cao hồi cuối tháng 10/2021.

Mức chiết khấu lớn từ đỉnh và định giá xuống thấp hiếm thấy trong lịch sử sau giai đoạn trượt dài trước đó là một trong những động lực thúc đẩy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc trên nhóm thép. Thời điểm chạm đáy, thị giá của hầu hết các cổ phiếu thép đều đã xuống dưới giá trị sổ sách. Thậm chí, doanh nghiệp đầu ngành Hòa Phát cũng có P/B dưới 1, điều rất ít khi xảy ra trong quá khứ.

Bên cạnh đó, giá thép thế giới đảo chiều hồi phục mạnh từ đáy cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngành thép. Giá thép thanh tại thị trường Trung Quốc đã tăng gần 16% trong một tháng rưỡi trở lại đây qua đó leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 8. Diễn biến giá thép thường có tương quan rõ rệt với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép. Điều này khiến giới phân tích kỳ vọng lợi nhuận ngành thép sẽ sớm tạo đáy và hồi phục trở lại trong các quý tới.

Đánh giá về triển vọng ngành thép, VDSC cho rằng bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn chưa khá hơn trong ngắn hạn. Giá than luyện cốc, quặng sắt và thép phế sẽ có một năm “êm dịu” hơn khi nhu cầu thép thế giới được dự báo trầm lắng trong năm 2023. Giá các nguyên liệu sản xuất thép cũng được dự báo dao động trong biên độ hẹp quanh mặt bằng giá cuối năm nay do nhu cầu dự trữ của các nhà máy thượng nguồn trên toàn cầu thấp và chỉ nhỉnh hơn vào cuối năm.

Tương tự, VNDirect cũng đánh giá khá thận trọng về triển vọng ngắn hạn của các doanh nghiệp thép. Bên cạnh sự hạ nhiệt của thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam, ngành thép trong nước còn chịu tác động từ những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán