Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, lực cầu được duy trì tốt xuyên suốt đã giúp VN-Index phục hồi khi tăng 5 điểm lên khu vực 1.125. Tổng thanh khoản có phần sụt giảm và chỉ đạt 10 nghìn tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng trước những diễn biến rung lắc ngắn hạn.
Dù hồi phục về điểm số, song thanh khoản thị trường lại tụt dốc khá mạnh. Giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt xấp xỉ 9.600 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 27 phiên gần nhất. Dù giảm nhẹ so với phiên trước, nhưng đã giảm khoảng 40% so với thanh khoản bình quân một tháng trở lại đây.
Thêm vào đó, những số liệu vĩ mô công bố không mấy khả quan cũng tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020.
Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, 6 tháng đầu năm phải đạt mức tăng 6,2% (trong đó, quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%). Tuy vậy, kết quả đạt được thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, chủ yếu do khối ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,44%.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV |
Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV để bàn luận về kinh tế vĩ mô đồng thời đưa ra góc nhìn cũng như xu hướng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
PV: Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt tương ứng 4,14% và 3,72%. Theo ông, kết quả kinh doanh quý 2 có tăng trưởng tương ứng với GDP?
Ông Trần Đức Anh: Việc quan sát kết quả kinh doanh so với GDP chỉ là một cách quan sát mang tính chất tương đối, không có nghĩa GDP tăng thì kết quả kinh doanh cũng tăng. Nhìn lại 2 quý gần đây thì quý 4/2022 và quý 1/2023 mặc dù GDP vẫn tăng trưởng dương nhưng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết đã giảm tầm 10-20%.
So với mức GDP quý 2 tăng trưởng 4,14%, cải thiện nhẹ so với quý 1, về mặt vĩ mô thì mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối xấu và khó có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng tích cực. Theo đó, trong kịch bản tích cực thì mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ đi ngang trong quý 2.
Liên quan đến việc hạ lãi suất, nhóm ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi và kỳ vọng đây sẽ là nhóm ngành có mức tăng trưởng tích cực trong quý 2.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng sẽ duy trì được mức độ tăng trưởng khả quan nhưng sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong quá khứ, nhóm ngân hàng thường tăng trưởng khoảng 20%, có lẽ ở thời điểm hiện tại các ngân hàng sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 10%.
Ngoài ra, nhóm ngành bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản hiện nay tương đối ảm đạm.
Cuối cùng là nhóm hưởng lợi từ đầu tư công liên quan đến vật liệu xây dựng như đá, sắt thép có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý 2 khởi sắc nhất định so với quý 1, mặc dù vẫn phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố.
PV: Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, theo ông Chính phủ cần những giải pháp gì để phục hồi tăng trưởng GDP?
Ông Trần Đức Anh: Với mức tăng trưởng GDP bình quân nửa đầu năm 3,72% thì so với mức 6,5% cho cả năm 2023 gần như chắc chắn không đạt được. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta thấy sự suy yếu của nền kinh tế vĩ mô vẫn đang kéo dài từ quý 1 sang quý 2 và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét. Một số chỉ tiêu vĩ mô quý 2 tốt hơn quý 1 nhưng đây chỉ mang tính chất thời điểm.Trong quý 1 có thời điểm Tết Nguyên đán và đây là giai đoạn có chỉ số xấu nhất. Nếu bỏ qua yếu tố mùa vụ chúng ta có thể thấy quý 2 vẫn sẽ tiêu cực và rất khó để xu hướng tăng trưởng tích cực quay trở lại trong quý 3, tôi kỳ vọng trong quý 4 sẽ tăng trưởng mạnh hơn.
Trên cơ sở đó, việc tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm 2023 như kế hoạch của Chính phủ đặt ra gần như không thể đạt được nữa. Thay vào đó, có thể đặt lại mục tiêu tăng trưởng từ 5-5,5%
Để đạt được mức GDP 5,5% cho cả năm, Chính phủ và NHNN phải tích cực sử dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là những chính sách mà Chính phủ, NHNN đã áp dụng từ đầu năm đến nay và sẽ áp dụng trong các tháng cuối năm như hạ lãi suất, giải ngân đầu tư công, giảm thuế VAT…
PV: Những giải pháp đó tác động gì đến thị trường chứng khoán thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Chúng ta có thể nhìn nhận răng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có xu hướng hồi phục tương đối tốt khi chỉ số VN-Index chốt quý 2 ở mức 1.120,18 điểm, tăng 11,23% kể từ đầu năm, tăng 5,2% trong quý 2, tăng 4,2% trong tháng 6.
Bên cạnh đó, yếu tố tác động lên sự hồi phục của thị trường không đến từ yếu tố nền tảng vĩ mô, không đến từ lợi nhuận doanh nghiệp mà đến từ yếu tố chính sách, dòng tiền. Tức là khi lãi suất giảm thì dòng tiền sẽ có xu hướng chảy nhiều hơn vào thị trường chứng khoán. Và đầu tư công được đẩy mạnh cũng có dòng tiền từ kho bạc đẩy ra nền kinh tế, giúp cải thiện cung tiền và đặc biệt giúp tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục. Với các chính sách hỗ trợ như vậy, tôi cho rằng cuối quý 3, đầu quý 4 nền kinh tế sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn.
Ở thời điểm hiện tại, với việc giảm lãi suất, giảm thuế VAT và những kỳ vọng về hồi phục của nền kinh tế trong tương lai, đây sẽ là điểm tựa giúp thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng trưởng.
PV: Trong những phiên gần đây, thanh khoản giảm dần, liệu dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường hay cơ cấu danh mục thưa ông?
Ông Trần Đức Anh: Nhìn trong một vài phiên hay một đến hai tuần thì không có nhiều ý nghĩa vì thanh khoản biến động hàng ngày và bao gồm cả yếu tố tâm lý của thị trường. Đôi khi có thể do diễn biến của chứng khoán thế giới hoặc thông tin liên quan đến việc xử lý hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng dẫn đến thanh khoản sụt giảm. Việc dòng tiền có phần “hụt hơi” trong những phiên gần đây không có ý nghĩa gì cả, nếu nhìn rộng ra từ đầu năm đến nay, rõ ràng thanh khoản đã tăng tương đối mạnh song song với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất.
Với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, có thể dư địa giảm không nhiều do các yếu tố ràng buộc nhưng để lãi suất tăng là rất khó, nhìn chung sẽ có xu hướng giảm nhẹ và đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản của thị trường.
Kết hợp các yếu tố, kỳ vọng nền kinh tế sẽ có xu hướng hồi phục cuối quý 3 hoặc đầu quý 4, đây vẫn là động lực để thị trường chứng khoán hấp dẫn dòng tiền hơn.
PV: Ông có dự báo gì về xu hướng thị trường trong tháng 7?
Ông Trần Đức Anh: Trong tháng 7, thông tin về mặt vĩ mô tương đối trầm lắng, việc giảm thuế VAT đến thời điểm hiện tại thị trường cũng đã có phản ứng nhất định. Câu chuyện của tháng 7 sẽ tập trung vào báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với dự báo đi ngang và giảm nhẹ, đây không phải là động lực tích cực của thị trường. Tôi cho rằng, sau giai đoạn tăng mạnh trong tháng 6, đến tháng 7 sẽ là giai đoạn thị trường lình xình đi ngang, tuy nhiên trong trung và dài hạn xu hướng thị trường vẫn là hồi phục. Cho nên đây cũng không phải là yếu tố chúng ta lo ngại nhiều.
PV: Xin cảm ơn ông rất nhiều về những chia sẻ này!
Góc nhìn CTCK tuần 3-7/7: Nâng cao tỉ trọng tiền mặt thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm Chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp kết thúc, VN-Index điều chỉnh sau khi chạm 1.140 điểm. CTCK nhận định, trong tuần 3-7/7, VN-Index sẽ tiếp ... |
Nhận định chứng khoán ngày 3/7: VN-Index phục hồi trở lại Chuyên gia chứng khoán nhận định, nhịp giảm điểm trong tuần vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng của thị trường. Lực ... |
Thanh khoản sụt giảm là điều cần lưu ý, NĐT nên hạ đòn bẩy margin về mức an toàn Trong kịch bản tích cực, Chứng khoán MB cho rằng, thị trường tiếp tục giao động ở vùng đỉnh tháng 1 với các ngưỡng hỗ ... |
Hồng Quân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|