PGS.TS Phạm Thế Anh: Ưu tiên hạ lãi suất để kích thích dòng tiền quay lại các thị trường |
Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ. Sự việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California phá sản. Điều này làm dấy lên lo ngại sự việc này có gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng hay không? Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) để làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Những ngày qua, thị trường tài chính toàn cầu rúng động trước tin Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản. Chỉ ít ngày sau, nước Mỹ lại chứng kiến ngân hàng Signature Bank sụp đổ. Theo ông, nguyên nhân của các vụ đổ vỡ ngân hàng này là gì?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Sự sụp đổ của các ngân hàng này chủ yếu do không tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, khi các ngân hàng này huy động vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, cụ thể là mua trái phiếu. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất thì khoản trái phiếu này sẽ bị mất giá, do trước đó các trái phiếu này được phát hành với lãi suất thấp và cố định, nên khi lãi suất thị trường tăng thì các trái phiếu này rơi vào tình cảnh muốn bán được thì phải giảm giá, nếu không người ta sẽ mua các trái phiếu mới phát hành.
Khi lãi suất tăng, SVB phải trả lãi nhiều hơn cho người gửi tiền trong khi thu nhập từ trái phiếu vẫn giữ nguyên làm cho ngân hàng này nhận phải một khoản lỗ lớn từ việc kinh doanh trái phiếu dẫn đến việc phá sản cực kỳ nhanh chóng.
Sự sụp đổ của hai ngân hàng này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế tài chính nước Mỹ?
- Theo tôi, cần phải tiến hành “strees test” (kiểm tra sức chịu đựng - PV) các ngân hàng còn lại của Mỹ để đánh giá xem bao nhiêu ngân hàng đang ở trong tình trạng tương tự thì mới có thể dự báo được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu như 2 ngân hàng này là trường hợp ngoại lệ thì tác động của nó đến hệ thống tài chính sẽ không đến nỗi lớn, nhưng nếu như đa số các ngân hàng đang nằm trong tình trạng tương tự thì rủi ro hệ thống sẽ là rất lớn và một cuộc sụp đổ mang tính dây chuyền có thể xảy ra.
TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá việc hai ngân hàng của Mỹ sụp đổ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. |
Và các sự kiện này sẽ thay đổi chính sách của Fed hiện nay không?
- Như tôi nói ở trên, nếu như 2 ngân hàng này là trường hợp ngoại lệ và không tác động nhiều đến hệ thống thì Fed nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì chính sách hiện tại. Còn ngược lại thì Fed sẽ phải cân nhắc về việc tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai, vì nó sẽ kéo Mỹ vào một cuộc đại khủng hoảng mới.
Vụ việc này có châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo hay không, như những gì đã xảy ra vào năm 2008 với việc Bear Stearns sụp đổ trước khi Lehman Brothers tạo ra cơn địa chấn toàn cầu?
- Bear Stearns và Lehman Brother đều là những ngân hàng nằm trong top của Mỹ, nên khi nó sụp đổ, hệ quả là cực kỳ lớn, trong khi 2 ngân hàng hiện tại sụp đổ thì quy mô chỉ ở tầm trung, nên chưa thể nói là nó có thể gây ra một cuộc đại khủng hoảng tương tự hay không.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sau cuộc khủng hoảng về ngân hàng giai đoạn 2007 - 2009, các quy định về ngân hàng trên thế giới không thay đổi nhiều, đặc biệt ở Mỹ. Vì vậy khả năng xảy ra sự sụp đổ tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Và cũng chính vì không thay đổi những quy định về kiểm soát rủi ro, nên sự sụp đổ của hai ngân hàng trên có thể là dấu hiệu cảnh báo khả năng về cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.
Việc hai ngân hàng lớn của Mỹ phá sản sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
- Theo tôi, hiện tại sự ảnh hưởng sẽ không quá lớn lao, và bằng chứng là Việt Nam đang thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng dần thông qua việc giảm lãi suất điều hành. Điều này theo tôi là phù hợp vì dư địa hiện tại của nền kinh tế cho phép làm điều đó để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, Việt Nam nên ứng xử ra sao trước các biến động này?
- Chúng ta cần có các dự báo dài hơi và kiểm tra các kịch bản có thể xảy ra, trong đó lường trước cả kịch bản xấu nhất để có những dự phòng về chính sách cho phù hợp, tránh bị động ứng phó sẽ gây ra những cú sốc không tốt cho nền kinh tế. Ngoài ra, thời điểm hiện tại VND có xu hướng tăng giá so với USD, chúng ta nên tiếp tục duy trì chính sách mua USD để tăng dự trữ ngoại hối để dự phòng trong tương lai, đồng thời bơm VND để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Hải Thu
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|