TS Cấn Văn Lực: Cần cơ chế “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ

(Banker.vn) Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là đề xuất của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề xuất LG xây trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam

Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga: Giảm lãi suất không chỉ là chính sách "trên báo, trên TV"

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Cấn Văn Lực cho hay, trong giai đoạn 2016-2021, kinh tế tư nhân khoảng chiếm gần 46% GDP. Về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; chiếm khoảng 85% tổng số lao động cả nước, tính cả thành phần kinh tế cá thể.

Đặc biệt, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước từ 13,88% năm 2016 đến 18,5% tổng thu ngân sách năm 2021 và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trong vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.

TS Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ
TS Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 6 tồn tại, hạn chế chính của khu vực kinh tế tư nhân khiến tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm gần đây.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 đạt ít nhất một triệu doanh nghiệp, chiếm 50% GDP theo Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017.

Thứ hai, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%) với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.

"Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, bình quân một doanh nghiệp Nhà nước có 5.300 tỷ đồng tiền vốn; doanh nghiệp FDI là 420 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ có 43,8 tỷ đồng (DN nhỏ và vừa chỉ có quy mô vốn từ 10-12 tỷ đồng). Quy mô doanh nghiệp tư nhân trung bình chỉ 15 lao động", ông Lực nhấn mạnh.

Thứ ba, năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp; chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu.

Ông Lực gọi quy trình này của Việt Nam là "liên kết ngược" và nguyên nhân là do năng lực quản trị DN đa số còn ở mức thấp, chưa có nhiều đột phá, thay đổi căn cơ, bài bản.

Thứ tư, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm. Cụ thể là gây ô nhiễm môi trường, chưa đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, nợ bảo hiểm...

Vị chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh chưa được quan tâm trau dồi, tính thượng tôn pháp luật còn chưa cao.

Thứ năm, khu vực kinh tế tư nhân, tư nhân luôn thiếu vốn. Một phần là do doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đa dạng hóa nguồn vốn (phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng); phần khác là chưa quan tâm thích đáng đến quản lý tài chính, huy động vốn từ thị trường vốn chưa bài bản...

Thứ sáu, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, Nghiên cứu và phát triển (R&D) hay ứng dụng CNTT. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%; nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu (theo khảo sát của VCCI 2021).

Nêu kiến nghị phát triển kinh tế tư nhân, TS Cấn Văn Lực đề xuất cơ quan quản lý cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, bao trùm; chú trọng kiến tạo để các thị trường phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh. Cũng như có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững; Hoạt động của các hiệp hội cần được nâng tầm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Muốn vậy, bản thân các hiệp hội cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả của tổ chức, bộ máy, qui trình và phương thức hoạt động,...

Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, TS Lực cũng lưu ý phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi.

Chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.

Tăng trưởng GDP thấp kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hạ tiếp loạt lãi suất điều hành

Ngân hàng Nhà nước vừa có một số quyết định về việc điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay và ...

Tổng điều tra doanh nghiệp năm 2023 từ ngày 1/4

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 được tiến hành theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ...

Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6%

Trong báo cáo mới cồng bố, Ngân hàng UOB cho biết hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống 6% từ mức ...

Quang Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán