TS Cấn Văn Lực: Các động lực tăng trưởng đang phục hồi, thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua

(Banker.vn) "Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm đáng kể", TS Cấn Văn Lực nhận định.
1a9be0ad1003b05de91272.jpg
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

Sau một năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã bước vào năm 2024 với kỳ vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, tuy nhiên thực tế lại chưa được như kỳ vọng.

Kinh tế phục hồi chậm và vẫn đối mặt nhiều thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2024 tiếp tục là một năm mà bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường như căng thẳng chính trị liên quan đến Nga và Ukraine, Trung Đông, dải Gaza, Biển Đỏ…,

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, những bất ổn này không chỉ đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, an toàn hàng hải mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế, do gia tăng chi phí logistics, thời gian vận tải và đẩy giá tiêu dùng tăng cao.

“Tất cả đã dẫn tới sự phục hồi chậm hơn và không đồng đều của kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính, tiền tệ, dòng đầu tư toàn cầu… cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới này đã tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Tuy vậy, trong 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp).

8362159734399467cd2827.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát, tỷ giá đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp…

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn... Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến niềm tin của thị trường; sự e ngại, thận trọng của xã hội, thậm chí là tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm

Cũng tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục giảm đà tăng trưởng (tăng 2,7% từ mức 3% năm 2022) và dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024 và 2,8% năm 2025.

Về lạm phát, số liệu thống kê và dự báo của WB cho thấy, lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025.

Thương mại toàn cầu tăng 0,6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2,5 - 3% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Ngoài ra, xu hướng chung là lãi suất giảm; tiếp tục xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

TS Cấn Văn Lực dự báo, 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở một số nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…), kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.

Phân tích các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều.

Cụ thể, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.

Đồng thời, lạm phát tính đến hiện tại tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và có thể nhích lên một chút trong thời gian tới tuy nhiên ông Lực cho rằng lạm phát tăng trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó, vấn đề lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát. Theo ông, tín dụng hiện nay tăng 2,41%, thấp hơn so với mức 3,27% cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng trưởng tín dụng này phù hợp với sức cầu của nền kinh tế. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 12,3%.

"Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm đáng kể", vị chuyên gia này dự báo.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng đang tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.

"Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn 5 tháng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính – ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn", ông Lực đánh giá.

Hoàng Hà

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ