Trưởng Ban Kiểm soát SVI nộp đơn từ nhiệm ngay trước ĐHĐCĐ thường niên 2025

(Banker.vn) Ông Krasame Singhakul, Trưởng Ban Kiểm soát SVI bất ngờ nộp đơn từ nhiệm ngay trước ĐHĐCĐ thường niên 2025. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Ngày 16/1/2025, ông Krasame Singhakul – Trưởng Ban Kiểm soát (BKS) Công ty CP Bao bì Biên Hòa (HOSE: SVI) – đã chính thức nộp đơn từ nhiệm khỏi các chức vụ trong Ban Kiểm soát. Theo thông báo, quyết định này sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sắp tới chấp thuận.

Trưởng Ban Kiểm soát SVI nộp đơn từ nhiệm ngay trước ĐHĐCĐ thường niên 2025
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận SVI giảm gần 1 nửa, xuống chỉ còn 48 tỷ đồng

Cùng ngày, Hội đồng Quản trị (HĐQT) SVI cũng thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào ngày 28/3/2025, với ngày đăng ký cuối cùng là 24/2/2025.

Trước đó, vào ngày 18/12/2024, SVI đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua kế hoạch di dời nhà máy từ Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 sang KCN Lộc An - Bình Sơn. Động thái này nhằm thực hiện theo đề án "Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và Cải thiện môi trường" do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai triển khai.

Được biết, KCN Biên Hòa 1 có bề dày lịch sử đặc biệt. Thành lập năm 1963 dưới tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa và chính thức trở thành KCN Biên Hòa 1 sau năm 1975, đây là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam với diện tích 324 ha. Tuy nhiên, với hơn 50 năm hoạt động, khu vực này trở thành một điểm nóng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sông Đồng Nai – nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 20 triệu dân thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, KCN Biên Hòa 1 là nơi hoạt động của 107 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho khoảng 26.000 lao động. Tuy nhiên, việc di dời các nhà máy là bước đi tất yếu để bảo vệ môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của địa phương.

Về Công ty Bao bì Biên Hòa, tiền thân là một nhà máy sản xuất bao bì carton nhỏ với thương hiệu Sovi trước năm 1975, từng thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Công Nghiệp Thực phẩm Đồng Nai. Trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi, SVI hiện nay là nhà cung cấp bao bì cho các thương hiệu lớn như Unilever Việt Nam, Nestlé Việt Nam, Masan, và Vinacafe Biên Hòa.

Bước ngoặt lớn nhất đến vào cuối năm 2020, khi TCG Solutions Pte. Ltd – một công ty con của tập đoàn SCG tại Thái Lan – mua lại hơn 94% cổ phần, chính thức đưa SVI về tay người Thái. SCG hiện là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, điều này tạo điều kiện cho SVI tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại và mở rộng thị trường.

Mặc dù có sự hậu thuẫn từ tập đoàn SCG, tình hình kinh doanh của SVI trong 9 tháng đầu năm 2024 không mấy khả quan. Doanh thu đạt 1.085 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, giá vốn cùng các khoản chi phí khác, bao gồm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, tăng đáng kể, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 48 tỷ đồng – giảm gần một nửa.

Chủ tịch Công ty Giám định - Vinacomin từ nhiệm, ĐHĐCĐ bất thường được triệu tập

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giám định - Vinacomin (VQC) mới đây đã nộp đơn xin từ nhiệm với lý ...

VIB công bố ngày đăng ký cuối cùng tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025

VIB thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào tháng 3, hạn chót đăng ký tham dự là ngày 19/2. Hiện ngân hàng vẫn ...

Tuấn Tú

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục