Trước khi “sếp” bị khởi tố, Tập đoàn Trường Tiền (MPT) hoạt động thế nào?

(Banker.vn) Trước khi dính dáng tới cáo buộc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tập đoàn Trường Tiền từng dính vào khá nhiều lùm xùm.
Trước khi “sếp” bị khởi tố, Tập đoàn Trường Tiền (MPT) hoạt động thế nào?
Hai lãnh đạo của Tập đoàn Trường Tiền bị khởi tố

Thời gian gần đây, Tập đoàn Trường Tiền đang vướng vào vụ việc đáng tiếc liên quan đến cáo buộc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cùng nhìn lại quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước khi dính vào "lình xình" này.

Thay vỏ đổi tên

Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền có tiền thân là Công ty CP May Phú Thành. Doanh nghiệp được thành lập ngày 15/01/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, hoạt động chính trong các lĩnh vực may trang phục, sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất hàng dệt kim, may mặc xuất khẩu.

Tháng 7/2015, May Phú Thành chính thức hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng. Gần nửa năm sau đó, ngày 15/01/2016, doanh nghiệp được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán MPT.

Đến năm 2017, sau gần 10 năm hoạt động, May Phú Thành nâng vốn điều lệ lên mức 155 tỷ đồng. Thời điểm đó, ông Nguyễn Viết Tùng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 171 tỷ đồng.

Bước ngoặt đối với May Phú Thành diễn ra khi nhóm ông Lê Khánh Trình, cựu Chủ tịch HĐQT, cũng là Phó tổng giám đốc doanh nghiệp cùng 2 công ty có liên quan thâu tóm và trở thành cổ đông lớn vào năm 2018. Ông Lê Khánh Trình được biết đến là Chủ tịch của Tập đoàn Trường Tiền (Trường Tiền Holdings) - chủ đầu tư của loạt dự án Sky Garden Định Công; dự án Khu nghỉ dưỡng spa cây Bồ Đề; dự án Hồ Khuôn Thần Eco Lake tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.

Sau ĐHĐCĐ bất thường ngày 18/11/2018, May Phú Thành đổi tên thành Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng thành tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp quốc tế và đa ngành nghề. Cũng tại đại hội này, ông Lê Khánh Trình được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Viết Tùng.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, tức là vào đầu quý IV/2020, ông Lê Khánh Trình và 2 doanh nghiệp liên quan đồng loạt thoái vốn tại Tập đoàn Trường Tiền, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0%. Đáng chú ý, trước ông Lê Khánh Trình, một số cổ đông lớn khác là các ông Bùi Cảnh Hoàng, Vũ Hoài Vũ, Bùi Việt Quân cũng đã thoái toàn bộ vốn tại thời điểm quý III/2020.

Ông Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch HĐQT hiện nay của Trường Tiền, người được bầu lên thay ông Lê Khánh Trình tại ĐHĐCĐ bất thường cuối năm 2020, cũng đã thoái hết vốn tại Trường Tiền hồi cuối tháng 3/2021. Theo đó, Trường Tiền đã ở trong tình trạng không có cổ đông lớn được hơn 2 năm.

Loạt tai tiếng trước khi bị khởi tố

Trước khi lãnh đạo của Tập đoàn Trường Tiền bị khởi tố, doanh nghiệp này đã không ít lần bị "réo tên" trên mặt báo với các lùm xùm khác nhau.

Cuối năm 2018, thời điểm ông Lê Khánh Trình còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Tiền, báo chí từng phản ánh về việc Tập đoàn Trường Tiền tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án Hồ Khuôn Thần Eco Lake tại Bắc Giang trong khi các cơ quan chức năng tại đây khẳng định tỉnh chưa chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án nào như vậy.

Cụ thể, tháng 12/2017, Tập đoàn Trường Tiền đã có buổi lễ giới thiệu dự án Hồ Khuôn Thần Eco Lake tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Theo giới thiệu của Trường Tiền, dự án này được UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý cho phép chi nhánh Công ty TNHH Lâm Viên tại Bắc Giang khảo sát, lập dự án đầu tư “Đầu tư Xây dựng Trung tâm văn hoá du lịch Khuôn Thần” theo công văn số 3007/UBND – CN ngày 22/10/2015. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phủ nhận thông tin này.

Đáng nói, khi báo chí liên hệ xác nhận thông tin, ông Trình tỏ ra bức xúc và có những lời lẽ thiếu lịch sự.

Đến tháng 10/2020, Lê Khánh Trình và ông Khiếu Xuân Khương tiếp tục vướng vào lùm xùm. Thời điểm đó, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh thông báo nhận được đơn của ông S. tố cáo ông có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 23,7 tỷ đồng của Tập đoàn Trường Tiền.

Lúc này, bên cạnh là lãnh đạo của Trường Tiền, ông Lê Khánh Trình cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thiết bị và Xây lắp điện Thiên Trường, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Lê Gia.

Đáng chú ý, cá nhân ông Trình cũng từng nhận nhiều án phạt của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điển hình, tháng 9/2019, Thanh tra UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Khánh Trình (Chủ tịch HĐQT CTCP Trường Tiền Holdings) số tiền 5 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính báo cáo giao dịch không chính xác.

Cụ thể, ngày 21/12/2018, ông Lê Khánh Trình đã mua 10.000 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư HP Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn đầu tư Lê Gia (KDM)), dẫn đến khối lượng cổ phiếu sau giao dịch tăng từ 350.000 cổ phiếu lên 360.000 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,93% lên 5,07%), trở thành cổ đông lớn của KDM.

Ngày 27/12/2018, HNX nhận được báo cáo sở hữu cổ đông lớn của ông Lê Khánh Trình báo cáo đã mua 360.000 cổ phiếu, dẫn đến khối lượng sau giao dịch là 360.000 cổ phiếu, thời gian thực hiện giao dịch là 21/12/2018.

Cuối tháng 3/2020, ông Lê Khánh Trình, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thiết bị và Xây lắp điện Thiên Trường bị xử phạt 22,5 triệu đồng vì bán cổ phiếu nhưng chậm báo cáo.

Trường Tiền “trắng doanh thu”

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, với việc tiếp tục không ghi nhận doanh thu. Đáng nói, đây là quý thứ 7 "trắng doanh thu" kể từ quý I/2022.

Trong quý, chi phí tài chính và chi phí bán hàng không ghi nhận con số nào và chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 140 triệu đồng.

Sau cùng, MPT báo lỗ trước và sau thuế 149 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty báo lỗ 472 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Tập đoàn Trường Tiền báo lỗ 388 triệu đồng và không xuất hiện doanh thu.

Tại thời điểm 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của MPT là 187 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty là 196 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm (bao gồm 37 tỷ đồng hàng tồn kho).

MPT cho biết, trong giai đoạn này công ty đang ưu tiên giải quyết các khoản công nợ còn tồn đọng, đẩy mạnh thu hồi các khoản công nợ phải thu, giảm chi phí và nghiên cứu dịch chuyển cơ cấu ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo.

Trước khi “sếp” bị khởi tố, Tập đoàn Trường Tiền (MPT) hoạt động thế nào?
Trường Tiền " trắng doanh thu"

Trên thị trường, cổ phiếu MPT hiện có giá 600 đồng/cp và đang trong diện hạn chế giao dịch.

Đáng nói, dù chỉ có hơn 17 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường song Trường Tiền hiện không có bất kỳ một cổ đông nào nắm trên 5% vốn điều lệ.

Thực tế, tình trạng doanh nghiệp không có cổ đông lớn, cổ đông chi phối không phải là điều mới lạ đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Tuy nhiên, điều này khiến HĐQT trở thành những người đi làm thuê, lợi ích không gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp. Điều này vô hình chung khiến cho tài sản của công ty khó có thể sinh lời.

Hiện HĐQT Tập đoàn Trường Tiền hiện chỉ có 3 người bao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Gia Khoa và 2 Thành viên HĐQT Lưu Quang Minh và Hoàng Việt Lân.

Nhiều cổ phiếu về lại vùng giá hấp dẫn, dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng

Các chuyên gia nhận định diễn biến mới trên thị trường tiền tệ đã làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào thị trường ...

Áp lực chốt lời xuất hiện khi thị trường tiến về vùng 1.160 – 1.166 điểm

MBS nhận định, với nền thanh khoản thấp, vùng đáy của thị trường đang được củng cố, nếu không có thông tin bất lợi nào ...

Tăng trưởng tiền lương ở Anh giảm nhẹ nhưng vẫn gần mức kỷ lục

Theo dữ liệu chính thức, tiền lương của người Anh tăng chậm hơn một chút trong quý III nhưng vẫn gần với tốc độ kỷ ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán