Trúng mùa, trúng giá, nông dân miền Tây tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân sau Tết

(Banker.vn) Dù không khí Tết vẫn còn rộn ràng, nhưng tại nhiều đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đang nhộn nhịp thu hoạch vụ Đông Xuân.
Cú huých mới cho thị trường lúa gạo vụ Đông Xuân Giá lúa gạo hôm nay ngày 14/2: Nông dân Tiền Giang bán lúa Đông Xuân giá cao Giá lúa gạo hôm nay ngày 16/2: Đón giá cao, nông dân Đồng Tháp tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân

Tất bật thu hoạch

Sau những ngày vui xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, hiện nay, nông dân ở các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tất bật bước vào thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 - 2024.

Ông Trần Văn Đằng (xã Tân Nghĩa, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thị trường lúa gạo vẫn đang ở mức cao, do đó ngay từ mùng 5 Tết gia đình ông đã ra đồng thu hoạch. Theo ông Đằng 14 công lúa (mỗi công 1.300m2) sạ giống OM 18 của gia đình ông đã đến kỳ thu hoạch từ ngày 30 Tết, tuy nhiên thời điểm này thương lái thu mua đã nghỉ Tết nên ông phải bón thêm phân để lúa chín chậm hơn, kéo dài thời gian "neo" trên đồng, chờ qua Tết là thu hoạch ngay.

Hơn 1 tháng trước, ông Đằng đã nhận tiền cọc bán lúa với giá 10.000 đồng/kg. Tình hình giá lúa biến động theo hướng sụt giảm, đến thời điểm thu hoạch, ông còn bán được 9.200 đồng/kg. Mặc dù giá giảm, song với giá này ông Đằng cho biết gia đình ông vẫn thu lãi cao.

Trúng mùa, trúng giá, nông dân miền Tây tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân sau Tết
Nông dân các tỉnh miền Tây bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân

"Vụ Đông Xuân này, mỗi công lúa năng suất đạt khoảng 1 tấn, bán với giá 9.200 đồng/kg thì lợi nhuận từ 3 triệu đồng trở lên mỗi công. Năng suất lúa tăng và giá bán cũng cao. Vì vậy, đây là vụ lúa mà tôi có lợi nhuận nhiều nhất từ trước đến nay", ông Đằng chia sẻ.

Tại Tiền Giang, từ ngày mùng 4 Tết, nhiều nông dân ở vùng ven biển Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân với niềm vui, giá lúa tăng kỷ lục, thu lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Văn Dương (ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) cho biết, vụ Đông xuân năm nay, gia đình ông trồng 1,2 ha đất lúa giống Đài Thơm 8. Trước đó, lúa được các thương lái đặt cọc với giá 8.800 đồng/kg, tăng so với vụ trước khoảng 500 đồng/kg, năng suất lúa vụ này thu hoạch được khoảng 8 tấn/ha.

Theo ông Dương, hiện nay đa số ruộng lúa nơi đây đều chín rộ, thiếu máy để thu hoạch. “Lúa này thương lái đến người ta đặt tiền cọc trước. Vụ trước mình cũng làm giống Đài Thơm 8 giá 8.300 đồng/kg. Từ nay đến mùng 10 Tết sẽ thu hoạch hết”, ông Dương cho biết.

Ông Dương cho biết thêm, hiện nhiều đồng, người dân đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân bởi bà con cho rằng, tranh thủ thu hoạch càng sớm sẽ bán giá càng cao.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác như Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, ngay từ sáng sớm nhiều người dân đã có mặt tại ruộng lúa của gia đình để theo dõi tình hình phát triển của lúa, cũng như phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại mà có biện pháp phòng trị hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Non, xã Hưng Thạnh Non, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết, vụ đông lúa xuân 2023 - 2024 này ông gieo sạ gần 5 ha giống OM 4900, hiện lúa đang trong giai đoạn trổ chín, dự kiến khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Do đông xuân là vụ lúa chính trong năm nên rất được ông Non quan tâm và tích cực chăm sóc.

Triển vọng năm mới

Cùng với người dân, ngay từ những ngày đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp cũng đồng loạt khai trương. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lộc Trời cho biết, ngay trong những ngày đầu năm, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65.

“Đúng ngày 15/2, đồng loạt nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo/năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẵn sàng cho sản xuất”, ông Thòn thông tin.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Ấn Độ, nơi cung ứng tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp gạo đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024, ông Phạm Thái Bình - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) dự báo, năm 2024, gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng vì xu thế thiếu nguồn cung trên thế giới hiện vẫn chưa chấm dứt, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cũng nhận định 2024 là năm xuất khẩu gạo có nhiều tiềm năng. Ở trong nước, đầu năm sẽ bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân, sản lượng rất lớn, mang lại nguồn cung dồi dào cho doanh nghiệp. Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp đang thu mua từ nhiều nguồn hàng khác nhau như: mua trực tiếp từ người sản xuất, liên kết mua của các doanh nghiệp, hợp tác xã để không rơi vào bị động khi ký kết hợp đồng bán hàng trước rồi mới đi mua hàng về sau.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương