Cổ phiếu ngân hàng tăng vượt trội
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, biến động giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng vượt trội hoàn toàn so với các chỉ số đại diện như VN- 30 Index hay VN- Index. Mức thanh khoản trên thị trường tăng cao càng chứng tỏ mức độ quan tâm của các nhà đầu tư lớn, các tổ chức chuyên nghiệp vào cổ phiếu ngân hàng.
Những tên tuổi trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như VPB, TCB, STB, CTG... thống kê thanh khoản tính theo giá trị giao dịch của các mã này có thể thấy rõ nét sự vận động của dòng tiền lớn đang đổ vào đây. Cụ thể, VPB trong 3 tháng/2021 giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên khoảng 222 tỷ đồng; TCB cùng thời gian giao dịch bình quân 549 tỷ đồng/phiên; STB giao dịch bình quân 560 tỷ đồng/phiên; CTG khoảng 416 tỷ đồng/phiên.
Sự bùng nổ thanh khoản càng diễn ra mạnh hơn từ đầu tháng 5/2021 sau kỳ nghỉ lễ đến nay. Phiên giao dịch tăng mạnh nhất vào ngày 4/5 vừa qua với 4 cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giao dịch vượt 1.000 tỷ đồng, thanh khoản thấp nhất là CTG đạt 1.072 tỷ đồng và cao nhất là VPB với 1.431 tỷ đồng. Đó cũng là phiên giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 30% tổng giá trị khớp lệnh cả 2 sàn.
Bên cạnh đó, việc các quỹ ETF nội thu hút được vốn và đem giải ngân cũng là động lực chính khiến thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng tăng lên, thậm chí gần đây đã trở thành những cổ phiếu tăng vượt trội trên thị trường.
Vẫn là điểm sáng và có sức nóng lớn
Theo Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích VNDIRECT, nhịp tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn chứ không lan tỏa toàn thị trường, do đó vẫn còn cơ hội tích lũy ở một số cổ phiếu chưa tăng giá hoặc đà tăng chưa phản ánh hết triển vọng kinh doanh tích cực trong năm nay.
Nhìn chung, nhà đầu tư nên tập trung vào những ngành được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng gia tăng từ bên ngoài (sắt thép, xi măng, cao su, đồ gỗ) khi các nền kinh tế chủ chốt thực hiện các gói kích cầu quy mô lớn và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để tái thiết nền kinh tế. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng cũng là "món hàng" hấp dẫn, vừa có thanh khoản cao, vừa có đà tăng giá mạnh, nên nhà đầu tư cần cơ cấu lại danh mục.
Theo Chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ có sức nóng thu hút nhà đầu tư khi tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng sẽ được dẫn dắt bởi sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành được kỳ vọng sẽ đạt mức từ 13- 14% trong năm 2021 này, cùng với đó hệ số biên độ lãi ròng - NIM (Net Interest Margin) sẽ còn tiếp tục được cải thiện khi các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, chi phí trích lập dự phòng đi ngang.
Ngân hàng được kì vọng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác nhờ tỉ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020.
Ngoài ra, trong năm 2021, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của nhóm NHTM có yếu tố nhà nước sẽ vượt trội so với nhóm NHTM tư nhân. Đà tăng trưởng lợi nhuận của nhóm NHTM nhà nước sẽ được hỗ trợ bởi việc cải thiện hệ số NIM mạnh mẽ và chi phí trích lập dự phòng ổn định hơn. Các NHTM tư nhân dự báo vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ 20- 25% trong năm 2021.
Mới đây, trong Báo cáo "Vietnam-Asia’s New Success Story", PYN Elite Fund cho biết, quỹ này đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục lên gần 40%. Ngoài triển vọng tích cực của ngành, cơ sở để quỹ này nâng tỷ trọng đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam, đó là các yếu tố vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN- Index hoàn toàn có thể tăng lên mức 1.800 điểm vào năm 2022.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|