Mặc dù kinh tế toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng rủi ro gia tăng đáng kể có thể làm chững lại đà phục hồi vốn đang bấp bênh và khá mong manh.
Thứ nhất, không ai có thể chắc chắn khi nào đại dịch Covid-19 được kiểm soát triệt để, đặc biệt là nguy cơ những biến thể mới có thể xuất hiện làm tái bùng phát dịch bệnh ngay cả ở những nước phát triển đã phổ cập vắc-xin, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, điều kiện tài chính toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn. Áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia, buộc các ngân hàng trung ương, các chính phủ giảm quy mô kích thích kinh tế và kích hoạt “bình thường hóa lãi suất”. Việc thắt chặt chính sách quá nhanh có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong số các nền kinh tế lớn, lạm phát là một vấn đề tương đối nóng ở Mỹ và Anh và được dự báo có mức tăng lạm phát lớn nhất trong năm 2022, chủ yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, lạm phát tăng trong năm 2021 chủ yếu do nhiều nước tái khởi động lại nền kinh tế, cộng hưởng với hiệu ứng cơ sở (base effect) của năm 2020, nên tỷ lệ lạm phát tăng mạnh. Tiếp đó là trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, chính phủ các nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị rất lớn để kích cầu. Tuy vậy, cũng không thể chủ quan với áp lực lạm phát trong thời gian tới.
Khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu cải thiện, đẩy chi phí hàng hóa và dịch vụ lên cao, kinh tế phục hồi bấp bênh khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại môi trường lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp có thể khiến kinh tế toàn cầu quay trở lại thập niên lạm phát đình trệ. IMF cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do sự mất cân bằng lớn nguồn cung
vắc-xin Covid-19, khi có gần 60% dân số tại các nước phát triển đã được tiêm chủng, tỷ lệ này tại nền kinh tế mới nổi là 36%, trong khi tại các nước có thu nhập thấp mới chỉ có 4%, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt. Cũng đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ, nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation) là có. Đây là hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao.
Thứ ba, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra không đồng đều. Như đã đề cập ở trên, các nền kinh tế phát triển hiện nay đang là động lực chính của sự phục hồi. Điều này làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nước, đẩy các nước có thu nhập thấp vào nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng như sự phụ thuộc lớn hơn vào các nước phát triển.
Thứ tư, căng thẳng chính trị giữa các nước lớn có thể cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, tài chính và đầu tư, cùng với các lệnh trừng phạt vẫn đang tiếp diễn. Theo Economist Intelligence Unit - EIU (Anh), điều này có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa các nền kinh tế ủng hộ Trung Quốc và ủng hộ Mỹ. Từ đó, gián tiếp làm gia tăng sự không chắc chắn trong thương mại và đầu tư toàn cầu.
ThS. Nguyễn Thị Thúy Linh (NHNN)