Triển vọng ngành vận tải biển nhìn từ đầu tàu MVN

(Banker.vn) Cổ phiếu đầu ngành vận tải biển MVN nhiều lần tăng hết biên độ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, đưa thị giá lên mức đỉnh lịch sử kể từ khi nhập sàn chứng khoán...

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 20/6, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) sớm bật tăng hết biên độ (+14,92%), đưa thị giá lên mốc 62.400 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, tạm tính thì đây đã là phiên tăng điểm thứ 11 liên tiếp của cổ phiếu MVN, trong đó có tới 7 phiên tăng trần.

Thị giá qua đó được kéo lên mức đỉnh lịch sử kể từ khi cổ phiếu này giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với tính chất cô đặc về sở hữu khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nắm đến 99,47% vốn, dẫn đến thanh khoản của MVN thời gian gần đây dù cải thiện nhưng tổng thể không cao.

Triển vọng ngành vận tải biển nhìn từ đầu tàu MVN

VIMC được thành lập từ 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nồng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Tổng công ty cổ phần hóa từ 2020 và hiện có đến 99,47% vốn thuộc sở hữu Nhà nước, chỉ 0,53% tương đương hơn 6,3 triệu cổ phiếu trôi nổi trên thị trường.

VIMC hoạt động chính trong 2 mảng cảng và vận tải biển. Công ty có đội tàu khoảng 60 tàu với tổng trọng tải 1,3 triệu DWT, chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu Việt Nam; sản lượng vận tải biển đạt 25 triệu tấn, tương đương 15% tổng sản lượng. Trong khi đó, công suất hệ thống cảng biển đạt 80 triệu tấn hàng rời và hơn 7,6 triệu teu hàng container, sản lượng thông cảng khoảng 136 triệu tấn/năm.

Thoát lỗ lũy kế

Hoạt động kinh doanh của tổng công ty có sự cải thiện đáng kể từ 2021 tới nay trong bối cảnh ngành vận tải biển phục hồi mạnh. Doanh thu ghi nhận trong khoảng 13.000 – 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 1.000 – 2.000 tỷ đồng. Trong quý 1 năm nay, VIMC đạt kết quả khả quan khi doanh thu tăng 26% lên 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 31,5% lên 342 tỷ đồng.

Tổng công ty cho biết năm nay bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia, xung đột địa chính trị ngày càng phức tạp. Ngành vận tải biển chịu sức ép trước nguồn cung tàu tăng, cước vận tải châu Âu tăng làm tăng khủng hoảng về logistics, căng thẳng ở Biển Đỏ làm tăng chi phí nhiêu liệu. Dù vậy, tổng công ty và các đơn vị thành viên đã tận dụng cơ hội, giữ vững thị phần và tăng trưởng doanh thu ngoài hoạt động truyền thống.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan các năm qua, tính đến cuối quý 1, VIMC đã chuyển trạng thái từ lỗ lũy kế sang có lãi tích lũy hơn 60 tỷ đồng.

Năm nay, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 13.447 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.736 tỷ đồng; lần lượt giảm 3,6% và tăng 27% so với thực hiện 2023.

Nhiều kỳ vọng với ngành vận tải biển

Với góc nhìn rộng hơn, từ cổ phiếu MVN, các công ty con của MVN (SGP, PHP, CDN, QNP, VOS...) hay cổ phiếu các công ty khác trong ngành vận tải biển đã lên sàn, phần lớn ghi nhận mức tăng giá tích cực gần đây, phần nào được thúc đẩy bởi giá cước vận tải tăng mạnh.

Triển vọng ngành vận tải biển nhìn từ đầu tàu MVN
Nguồn: Drewry, Harper Peterson

Tại talkshow Gõ cửa tháng mới của SSI Research diễn ra chiều 13/06, ông Nguyễn Hoàng Giang - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, SSI Research đã có những lý giải về việc giá cước tăng mạnh, đến từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do các tàu sau thời gian chạy qua vùng mũi Hảo Vọng đến châu Âu và quay trở lại có dấu hiệu bị trùng lịch với những con tàu hiện tại, dẫn đến phải chờ. Tại khu vực Singapore, các tàu đang phải chờ khoảng 7 ngày mới vào được cảng, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thứ hai, năm 2024 là giai đoạn các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ trên thế giới có dấu hiệu chuyển từ giảm sang tích lại hàng tồn kho để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Do đó, sự kiện biển Đỏ xảy ra đã kéo theo nhiều lo ngại về khả năng không nhận được hàng cuối năm, dẫn đến hành động thúc đẩy sớm hơn việc giao hàng, sản xuất hàng.

Thứ ba, gần đây có thông tin Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 8, do đó Trung Quốc cũng đẩy sớm tốc độ xuất hàng đi và tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Giang, để giải quyết các vấn đề đứt gãy thì các hãng tàu phải đợi đến tháng 11 và 12 mới dư tàu để sắp xếp lại chuỗi cung ứng, do đó SSI Research không kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn có thể được giải quyết ngay trong thời gian sắp tới.

Trên góc độ rộng hơn, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đến từ hai vấn đề, gồm căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu. Về dài hạn, căng thẳng địa chính trị vẫn tác động và giá cước vẫn giữ mức cao.

"Nhìn vào khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận, với đà tăng giá cước và giá thuê tàu hiện nay, có thể thấy 2023 đã là năm đáy của ngành vận tải biển, container và quý 2, 3, 4/2024 sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng lợi nhuận so với các quý trước cũng như so với cùng kỳ 2023. Đây là trạng thái tích cực cho các cổ phiếu trong ngành", ông Giang nhận định.

Khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng sàn HOSE, VN-Index thoát hiểm phút 90

Thị trường có phiên “xanh vỏ đỏ lòng”, phục hồi về cuối phiên nhờ lực kéo từ nhóm bluechips. Khối ngoại gia tăng đà bán ...

Nhận định chứng khoán phiên 20/6: Chờ nhịp bứt phá mới

Thị trường chứng khoán phiên hôm nay chứng kiến việc VN-Index "thoát thua" trong phút chốc. Chỉ số chính được dự báo sẽ còn cần ...

Vietnam Airlines kinh doanh khá khẩm, cổ phiếu HVN "bay thẳng" lên đỉnh 5 năm

Đà thăng hoa của cổ phiếu HVN đã bắt đầu từ cuối tháng 3 với mức tăng đến nay ghi nhận tới gần 160%...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán