Triển vọng cổ phiếu bank - chứng - thép cuối năm: Bank gặp khó, chứng - thép dồi dào lực kéo

(Banker.vn) Sau nửa đầu năm thắng lớn nhờ môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi, việc dịch bệnh COVID-19 bất ngờ bùng phát tại TP. HCM và lây lan kể từ tháng 7 - kéo theo cách lệnh hạn chế đi lại,... đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhiều nhóm ngành gặp khó, khả năng thực hiện chỉ tiêu nửa cuối năm 2021 tiếp tục bỏ ngỏ.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn quan điểm của nhà đầu tư (Fn) thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả về góc nhìn (triển vọng) nhóm cổ phiếu dòng bank - chứng - thép trong phần còn lại của năm 2021.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng: Đa số kém khả quan

Hiện tại, tôi vẫn duy trì quan điểm gần nhất đối với nhóm cổ phiếu dòng bank là sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực về kết quả kinh doanh trong các quý còn lại của năm. Tình hình chung với các ngân hàng là mức độ nợ xấu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ tăng cao khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động kéo theo sự gián đoạn về dòng tiền trả nợ và cơ cấu tài chính của doanh nghiệp cũng như ngân hàng. Vì vậy với các cổ phiếu ngân hàng không phải là lựa chọn tối ưu cho danh mục đầu tư lúc này.

Tăng ít - giảm nhiều, tăng phân hoá – giảm đồng loạt, thanh khoản giảm – hàng kẹp lớn, đây là những khó khăn mà các cổ phiếu dòng bank đang gặp phải khi chúng ta chưa biết tác động vào kết quả kinh doanh xấu như thế nào thì đứng ngoài là cách tốt nhất.

Với những cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện như VPB, TCB hoặc các cổ phiếu các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như MBB, ACB,... nhà đầu tư có thể xem xét nắm giữ với giá vốn thấp nhưng không nên để tỷ trọng lớn, tối đa 20% danh mục là hợp lý nếu muốn nắm giữ hết năm 2021.

Tỷ suất sinh lợi của nhóm này không hy vọng đạt được mức cao hơn thị trường nếu không muốn nói giữ được giá đã là may mắn vì kể cả khi tình hình giãn cách được nới lỏng, các hoạt động kinh doanh bắt đầu khôi phục thì tác động khó khăn vẫn kéo dài và có độ trễ. Thế nên, các nhà băng có chất lượng tài sản ở mức cao và dự phòng cho nợ xấu lớn sẽ có điểm tựa để xử lý các khoản nợ xấu tiềm tàng sẽ phát sinh trong tương lai. Của để dành sẽ được đem ra dùng lúc khốn khó.

Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ như BVB, NVB, ABB, SHB,… tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dưới 100% dễ bị tác động mạnh khi nợ xấu gia tăng đột biến. Hơn nữa, chi phí vốn của các nhà băng này thường rất cao dẫn đến việc giảm NIM mạnh khi thực hiện giảm lãi suất cho người vay vốn, không đảm bảo được lợi nhuận trong hoàn cảnh kinh doanh bất lợi. Đây là những cổ phiếu không nên nắm giữ - ít nhất cần chờ sự khôi phục rõ ràng của nền kinh tế và các báo cáo tài chính gần nhất được công bố.

Về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất có tiềm năng khi nền kinh tế được khôi phục. Các chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tác động rõ nét hơn khi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là ưu tiên hàng đầu. Nếu nhìn sang TTCK Mỹ hiện tại, chúng ta có thể thấy các cổ phiếu của những ngân hàng lớn nhất đang niêm yết tại đây như JPM, BAC giá cổ phiếu vẫn đang “đu” đỉnh. Điều này cho thấy dịch bệnh đã từng gây tổn thất lớn đến nền kinh tế của họ nhưng khi sự phục hồi đến thì cổ phiếu ngành tài chính vẫn đang được ưa chuộng nhất.

Để lựa chọn cơ hội đầu tư mới với các cổ phiếu dòng bank, nếu thận trọng và tránh mất nhiều thời gian nắm giữ chúng ta nên chờ báo cáo tài chính quý III được công bố và giá cổ phiếu chiết khấu thêm trên 10% so với hiện tại (nếu có) vì xu hướng của các cổ phiếu này vẫn đang là xấu so với mặt bằng chung.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán: Tích cực

Đây là nhóm hưởng lợi trực tiếp từ thị trường và kết quả kinh doanh dễ dự báo nhất trong thời điểm này. Thanh khoản trong tháng 8/2021 tăng 15,3% so với tháng 7; giá trị bình quân 3 sàn đạt 30.177 tỷ đồng - tăng 363% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đang ưu tú khi so sánh với thị trường chung. Em vẫn duy trì quan điểm tích cực với các cổ phiếu dòng chứng như SSI, VND, HCM, CTS, BVS, BSI, FTS, AGR.

Các CTCK đã hoàn thành việc tăng vốn, có thêm nguồn để mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ là những ưu tiên khi lựa chọn danh mục.

Nhóm cổ phiếu dòng chứng khoán sẽ có đà tăng mạnh mẽ ở nửa sau của tháng 9, khi dần về cuối quý III/2021. Nên dành tỷ trọng 30 - 40% danh mục cho các cổ phiếu dòng chứng ở thời điểm giữa tháng 9, hoặc khi thị trường có sự điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ mạnh 1280.

Nếu tháng 9/2021, thị trường vẫn duy trì được ngưỡng thanh khoản này thì kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán sẽ cực kỳ vượt trội. Về dài hạn, Việt Nam vẫn đang nằm trong một chu kỳ phát triển thị trường vốn nên những ngành về dịch vụ tài chính trong đó có chứng khoán là những ngành có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong khi thị trường vẫn đang thiếu các CTCK tầm cỡ để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Nhóm cổ phiếu ngành thép: Tích cực

Các doanh nghiệp ngành thép nếu nói là vượt trội thì không hẳn, bởi kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm đã đạt mức rất cao rồi. Hơn nữa trong bối cảnh giãn cách xã hội, các công trình dân dụng phải tạm ngưng hoạt động làm sức cầu tiêu thụ nội địa suy giảm. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung của thị trường và các ngành khác thì ngành thép vẫn có rất nhiều điểm sáng và duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực.

Nếu như kênh tiêu thụ trong nước suy giảm thì với những doanh nghiệp hàng đầu như HPG, HSG, NKG – vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ kênh xuất khẩu và các dự án đầu tư công trọng điểm vẫn đang được thi công.

Ngành thép là ngành có đặc thù sử dụng tỷ lệ người lao động thấp hơn so với các ngành như dệt may, thuỷ sản, dịch vụ tài chính,… Vì vậy, khi tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo công suất ở mức cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, bù đắp được sự sụt giảm thị trường nội địa.

Đơn cử như HSG trong tháng 7/2021, sản lượng xuất khẩu chiếm 78% tổng sản lượng tiêu thụ, và mức sản lượng tiêu thụ vẫn duy trì cao so với trung bình các quý trước đó. Thị trường mà các doanh nghiệp nội đang đẩy mạnh là Bắc Mỹ, EU khi nhu cầu về các sản phẩm thép cán và tôn mạ ở đây đang rất cao, giá HRC giao ngay tại Mỹ hiện đang tiếp tục leo đỉnh, và biên lợi nhuận gộp xuất khẩu cao hơn 3 - 4% so với bán trong nước. Kể cả khi chi phí vận chuyển tăng mạnh thì các doanh nghiệp nội vẫn có tỷ suất sinh lời hấp dẫn.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng năm 2021, ngành thép vẫn đang là nhóm ngành có tỷ lệ tăng trưởng sản xuất ở mức cao nhất với 48% và tăng trưởng xuất khẩu cũng cao nhất trên 200%. Các doanh nghiệp hiện đã full đơn hàng xuất khẩu đến những tháng cuối năm.

Nhóm cổ phiếu thép hàng đầu đã có sự điều chỉnh 2 tháng kể từ đầu tháng 7 sau khi tăng nóng nên cung cầu đã có sự cân bằng.

Hiện tại, nhiều cổ phiếu nhỏ lại đang liên tục phá đỉnh như TLH, VGS, NKG, SMC và các cp lớn là HPG, HSG đang cho thấy dòng tiền trở lại. Tôi cho rằng, cổ phiếu ngành thép sẽ là rất an toàn trong thời điểm này bởi đảm bảo đủ 3 yếu tố: Thời gian điều chỉnh đủ dài + giá đã có sự chiết khấu và cân bằng + kết quả kinh doanh dự báo khả quan. Đây cũng là những cổ phiếu mà nhà đầu tư nên lựa chọn vào danh mục cho các tháng cuối năm.

Hữu Dũng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục