TP. Hồ Chí Minh: Tiêu hủy hơn 11.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu

(Banker.vn) Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa tiến hành tiêu hủy gần 8.500 bánh trung thu và hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Tây Ninh xử phạt hàng loạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu Làm rõ thêm thông tin về quản lý thị trường xăng dầu

Theo đó, ngày 19/10/2023, tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, địa chỉ: Lô B4-B21, B5-B20, đường số 9, khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị thực hiện tiêu hủy gần 8.500 bánh Trung thu và hàng ngàn sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.

Đây là số hàng hóa buộc tiêu hủy theo 13 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 ban hành.

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy gồm 11.443 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần áo, bộ cáp sạc điện thoại giả mạo nhãn hiệu: Louis Vuitton, Apple, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, thực phẩm nhập lậu…. Tổng trị giá 279.426.000 đồng.

TP. Hồ Chí Minh: Tiêu hủy hơn 11.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu
Số hàng thời trang giả mạo nhãn hiệu bị đem đi tiêu hủy

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là xay nhuyễn, hủy hình dạng ban đầu hoặc đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao. Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường, có sự giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và lực lượng chức năng.

Cũng trong đợt tiêu hủy này, đơn vị đã giám sát tiêu hủy 8.424 cái bánh trung thu, bánh trứng chảy các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, là tang vật của các vụ việc kiểm tra cao điểm Tết trung thu năm 2023 trên địa bàn quận 12.

Riêng đối với mặt hàng bánh Trung thu, thời gian qua Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết trung thu năm 2023. Các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; đồng thời tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh Trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng. Các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…, xử phạt với số tiền gần 250 triệu đồng và buộc tiêu hủy gần 11.000 bánh trung thu.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương