TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 1.600 vụ liên quan đến buôn lậu

(Banker.vn) Trong tháng 8/2024, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 1.653 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại.
Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hàng vi phạm trị giá hơn 700 tỷ đồng TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị lắp camera giám sát 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức TP.Hồ Chí Minh: ''Đột kích'' phòng thu âm, bắt quả tang nhóm đối tượng phê ma tuý

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh vừa có Báo cáo số 43/BC-BCĐ389TP ngày 26/8 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tháng 8/2024 và phương hướng tháng 9/2024.

Theo đó, trong tháng 8/2024, tình hình thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tương đối ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố được duy trì; nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dồi dào, đa dạng chủng loại; giá cả hàng hóa ổn định. Tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoạt động mua bán bình thường, có niêm yết giá; không có tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng trên địa bàn. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh
Lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh phát hiện 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại huyện Củ Chi. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó lường.

Các đối tượng tội phạm lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử để thực hiện các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại một cách tinh vi và có tổ chức. Các đối tượng sử dụng nhiều kênh khác nhau như sàn giao dịch trực tuyến, mạng xã hội để mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các đường dây hoạt động của chúng thường xuyên thay đổi, trải dài trên nhiều địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý và truy bắt.

Các đối tượng có thủ đoạn tinh vi, thường tập kết hàng hóa tại các kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp, giao hàng qua đơn vị vận chuyển trung gian khiến lực lượng chức năng khó xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý.

Mặc dù còn nhiều thách thức, các lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực không ngừng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sở, ngành. Các đơn vị tập trung tăng cường theo dõi tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, hành vi đầu cơ, găm hàng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh nhằm ổn định thị trường.

Kết quả trong tháng 8/2024, các đơn vị, sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra 1.653 vụ. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 281 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, 1.250 vụ vi phạm về gian lận thương mại và 122 vụ vi phạm về hàng giả. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 200,4 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 cần tăng cường phối hợp, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tập trung kiểm tra, kiểm soát các đường dây buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra các kho bãi, chành xe, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố; không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không để hàng giả len lỏi vào trong các hội chợ thương mại.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, phân tích dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về hàng hóa, doanh nghiệp. Cũng như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về nghiệp vụ điều tra, kỹ năng sử dụng công cụ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc xây dựng và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là vô cùng quan trọng để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm.

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục