TP HCM: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản

(Banker.vn) Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ước tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng tại TP HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021.

Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố liên quan đến phát triển thị trường bất động sản thành phố ổn định, lành mạnh.

Theo đó, cơ quan này yêu cầu các TCTD quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài. Đồng thời thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Trước đó, NHNN đã yêu cầu các TCTD không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp….

Sau động thái này, một số ngân hàng đã có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Theo NHNN chi nhánh TP HCM, ước tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng tại TP. HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ này nhiều năm trước đây.

Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh. Trong đó, tín dụng bằng VND chiếm 93% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021.

Tính đến cuối tháng 4, tổng giá trị nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn.

Riêng tín dụng đối với các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn, tính đến cuối tháng 3/2022, đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.

NPV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục