TOP 10 ngân hàng tối ưu chi phí hoạt động tốt nhất 9 tháng đầu năm

(Banker.vn) Trong hơn 28 ngân hàng khảo sát, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất.

Theo báo cáo tài chính quý III của 28 ngân hàng trong nước, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình toàn ngành đạt 41,2%, giảm 7,1 điểm % so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của các NHTM vẫn duy trì bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của 28 ngân hàng vẫn tăng tới 31% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 11,3%.

VPBank hiện đang là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất trong hệ thống. Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm, CIR của ngân hàng chỉ ở mức 23,7%, giảm 6,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của VPBank cho thấy, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 33.231 tỷ đồng, tăng tới 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm giảm 8,8%, chủ yếu cắt giảm vào chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên.

Đứng thứ hai là SHB khi tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng tăng đến 60,4% so với cùng kỳ, đạt 12.203 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ giúp CIR giảm xuống còn 25% từ mức 40% cùng kỳ năm trước.

Xếp ngay sau SHB là BIDV với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 28%, giảm so với mức 32,9% cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng cũng nằm trong Top 10 ngân hàng có CIR thấp nhất 9 tháng đầu năm bao gồm VietinBank và Techcombank cùng ở mức 28,9%, TPBank (31,9%), MSB (32,7%), SCB và ACB cùng có CIR là 33%.

Số liệu cho thấy trong 9 tháng đầu năm, có đến 24 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 9 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CIR giảm trên 10% bao gồm Kienlongbank, SCB, SHB, SeABank, MSB, Nam A Bank, LienVietPostBank, ACB và ABBank.

CIR của các ngân hàng 9 tháng đầu năm (Nguồn: Phương Nga - Vietnambiz

Đáng chú ý, trong nhóm ngân hàng khảo sát, Kienlongbank là ngân hàng có CIR giảm mạnh nhất từ 77% trong 9 tháng năm 2020 xuống còn 48% cùng kỳ năm nay. Kết quả có được chủ yếu nhờ tổng thu nhập hoạt động luỹ kế 9 tháng tăng mạnh 81% lên 1.789 tỷ đồng.

Tương tự tại SCB, tổng thu nhập hoạt động tăng150% trong khi chi phí hoạt động tăng hơn 53% kéo tỷ lệ CIR của SCB giảm xuống còn 33% 9 tháng 2021 từ mức 54% cùng kỳ 2020.

Ở chiều ngược lại, 4 ngân hàng ghi nhận CIR tăng sau 9 tháng bao gồm Viet A Bank (tăng 4,2%), Bac A Bank (2%), PG Bank (0,8%) và Vietbank (0,3%).

Tỷ lệ CIR được tính bằng cách chia chi phí hoạt động (không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) cho tổng thu nhập hoạt động (thu nhập thuần từ tất cả các nguồn, bao gồm tín dụng, dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán...).

Đây là chỉ tiêu được các ngân hàng cũng như các nhà phân tích sử dụng để đánh giá khả năng kiểm soát chi phí của các nhà băng.

Có thể hiểu, CIR càng thấp thì hiệu suất hoạt động ngân hàng càng cao, tức là ngân hàng tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Lưu Lâm (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán