Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đạt trên 14,3 triệu tỷ đồng

(Banker.vn) Số liệu thống kê vừa được Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đã vượt 14,3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,44% so với thời điểm cuối năm 2020.

Dựa trên số liệu Báo cáo cân đối tài khoản kế toán, báo cáo thống kê tháng 4/2021 của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm tổ chức tài chính vi mô), Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/4/2021, tổng tài sản có của toàn hệ thống đạt 14.361.152 tỷ đồng, tăng 2,44% so với cuối năm 2020, trong đó:

Nhóm NHTM nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, CBBank, GPBank, Oceanbank) có tổng tài sản đạt 5.849.440 tỷ đồng, tăng 0,99% so với cuối năm 2020; nhóm ngân hàng TMCP có tổng tài sản đạt 6.264.280 tỷ đồng, tăng 3,49%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng tài sản đạt 1.573.475 tỷ đồng, tăng 3,34%; nhóm công ty tài chính, cho thuê có tổng vốn điều lệ đạt 229.513 tỷ đồng, tăng 0,20% so với cuối năm 2020…

Chỉ tiêu vốn điều lệ cũng ghi nhận tăng so với cuối năm 2020. Cụ thể vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 669.153 tỷ đồng, tăng 1,29% so với cuối năm 2020, trong đó: vốn điều lệ của khối NHTM nhà nước đạt 158.771 tỷ đồng, tăng 2,25%; vốn điều lệ của nhóm ngân hàng TMCP đạt 317.085 tỷ đồng, giảm 0,02%; vốn điều lệ của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 132.091 tỷ đồng, tăng 0,61%; vốn điều lệ của nhóm công ty tài chính, cho thuê đạt 34.479 tỷ đồng, tăng tới 12,84%...

Tính đến ngày 30/4/2021, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của nhóm: NHTM nhà nước là 29,80%; ngân hàng TMCP là 29,14%; công ty tài chính, cho thuê là 33,49%...

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của nhóm: NHTM nhà nước là 83,34%; ngân hàng TMCP là 72,24%; ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 38,85%...

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, vốn tự có của khối NHTM Nhà nước trong kỳ công bố có sự biến động lớn tại Nhóm ngân hàng áp dụng thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) và Nhóm ngân hàng áp dụng thông tư 22/2019/TT-NHNN (Thông tư 22). Nguyên nhân của sự biến động do VietinBank bắt đầu áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN từ tháng 1/2021 nên chuyển từ nhóm áp dụng Thông tư 22 sang nhóm áp dụng Thông tư 41, cụ thể:

Nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN có tổng vốn tự có đạt 1.031.669,7 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cuối năm 2020. Nhóm này có tỷ lệ an toàn vốn đạt 11,09%, trong đó: vốn tự có của nhóm NHTM nhà nước đạt 335.186,2 tỷ đồng (tăng 58,6%) và tỷ lệ an toàn vốn đạt 9,16%; vốn tự có của nhóm ngân hàng TMCP đạt 490.586,5 tỷ đồng (tăng 7,0%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 10,84%; vốn tự có của nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 205.896,9 tỷ đồng (tăng 1,3%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 18,35%.

Nhóm ngân hàng áp dụng thông tư 22/2019/TT-NHNN có tổng vốn tự có đạt 184.614,77 tỷ đồng, giảm 34,7%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 10,84%, trong đó: vốn tự có của nhóm NHTM Nhà nước đạt 111.672,67 tỷ đồng (giảm 47,4%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 10,94%; vốn tự có của nhóm NHTM Cổ phần đạt 60.607,32 tỷ đồng (tăng 2,3%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 9,56%; vốn tự có của nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 8.183,89 tỷ đồng (tăng 12,9%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 31,86%...

Nhóm TCTD áp dụng Thông tư 23/2020/TT-NHNN có tổng vốn tự có đạt 49.378,1 tỷ đồng (tăng 11,75%), tỷ lệ an toàn vốn đạt 21,31%.

Tính đến cuối tháng 4/2021, các chỉ số ROA và ROE của toàn hệ thống đạt 0,96% và 12,11%, trong đó: nhóm NHTM nhà nước có ROA và ROE lần lượt là 0,85% và 15,12%; nhóm NHTM cổ phần có ROA và ROE lần lượt là 1,07% và 13,69%... Tỷ lệ ROA, ROE trên đã được Ngân hàng Nhà nước loại bỏ các TCTD có vốn chủ sở hữu âm.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục