Tổng Giám đốc Nam Việt muốn gom 2 triệu cổ phiếu ANV tại vùng giá "đáy"

(Banker.vn) Tạm tính theo giá kết phiên 16/11 là 17.200 đồng/cp, ước tính vị Tổng Giám đốc Nam Việt phải chi khoảng 34,4 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Theo thông báo mới đây, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (Navico, Mã: ANV) đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu ANV theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận. Mục đích thực hiện giao dịch là để tăng tỷ lệ sở hữu, thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 21/11 đến ngày 20/12.

Tổng Giám đốc Nam Việt muốn gom 2 triệu cổ phiếu ANV tại vùng giá

Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu nắm giữ của ông Doãn Tới sẽ thay đổi từ 71.805.000 đơn vị lên 73.805.000 đơn vị, tỷ lệ sở hữu tương ứng thay đổi từ 56,30% lên 57,86%. Tạm tính theo giá kết phiên 16/11 là 17.200 đồng/cp, ước tính ông Doãn Tới phải chi khoảng 34,4 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Động thái mua vào của vị Tổng Giám đốc diễn ra khi ANV có màn lội ngược dòng, với việc ghi nhận giảm sàn 7/8 phiên (4/11 – 15/11) và tăng trần trở lại ở phiên 16/11 với giá kết phiên là 17.200 đồng/cp. Tuy nhiên mức giá này vẫn là mức thấp nhất trong 22 tháng qua kể từ đầu tháng 2/2021.

Tổng Giám đốc Nam Việt muốn gom 2 triệu cổ phiếu ANV tại vùng giá
Diễn biến giá cổ phiếu ANV thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Cuối tháng 8 vừa qua, HĐQT Navico thông qua nghị quyết góp vốn bổ sung 38 tỷ đồng vào Công ty TNHH Amicogen Nam Việt. Theo đó, ông Doãn Tới sẽ đại diện 80% tổng góp vốn và ông Lê Minh Tuấn đại diện 20% còn lại.

Gặp khó về dòng tiền, Thủy sản Nam Việt "khất" trả cổ tức năm 2021

Công ty CP Nam Việt vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh thời gian thanh toán cổ tức năm 2021. Theo đó, Nam Việt thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2021 từ ngày 1/12/2022 sang ngày 27/4/2023, trễ gần 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Lý do được đưa ra do tình hình tài chính cuối năm gặp khó khăn, chuẩn bị không kịp nguồn tiền thanh toán.

Trước đó, ngày 31/10, Nam Việt chốt danh sách trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng và thời gian thực hiện là ngày 1/12/2022. Với hơn 132 triệu đơn vị đang lưu hành, Nam Việt dự kiến sẽ phải chi khoảng hơn 132 tỷ đồng cho cổ đông trong lần trả cổ tức năm 2021.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.238,68 tỷ đồng, tăng 88,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 119,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận lỗ 13,17 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng kỷ lục từ 10,5% lên 23,2%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 3.752,4 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 567,22 tỷ đồng, tăng 662,7% so với cùng kỳ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022, Nam Việt dự kiến doanh thu đạt 5.200 tỷ, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng; cao hơn lần lượt 6% và gần 39% so với tờ trình trước đó. Đây là con số kinh doanh cao kỷ lục của Nam Việt kể từ khi thành lập tới nay. So với năm 2021, chỉ tiêu doanh thu đã cao hơn 48% còn kế hoạch lợi nhuận gấp 6,62 lần. Nếu đạt được thì đây là con số kinh doanh cao kỷ lục của Nam Việt kể từ khi thành lập tới nay.

Trước đó vào cuối tháng 5, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ) đánh giá kế hoạch tham vọng 720 tỷ lợi nhuận trước thuế của Nam Việt tương đối khả thi nhờ vào loạt yếu tố có lợi cho ANV. Đầu tiên, nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng giúp ANV đẩy mạnh sang các thị trường hiện hữu, đặc biệt chiến tranh Nga - Ukraine sẽ giúp công ty hưởng lợi ở thị trường EU.

Xung đột Nga - Ukraine được xem là cơ hội cho cá tra Việt Nam khi sản phẩm này được kỳ vọng có thể thay thế cho cá minh thái của Nga ở EU. ANV cũng sẽ tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Nga trong quý II do kỳ vọng về nhu cầu lương thực, thực phẩm ở thị trường này trong bối cảnh xung đột chính trị leo thang

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi ở Trung Quốc khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại và việc kiểm dịch trên sản phẩm nhập khẩu được giảm bớt cũng là một thuận lợi cho ANV. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn sẽ là nhân tố rủi ro do chính sách “Zero Covid” và tình hình phong tỏa ngày càng siết chặt dù nhu cầu được kỳ vọng lớn và bị dồn nén trong hai năm dịch.

VDSC kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ bắt đầu có những động thái mở cửa trở lại nền kinh tế trong nửa còn lại năm 2022, giúp doanh thu của ANV tại thị trường này sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong các quý tiếp theo.

Ngoài ra, Nam Việt cũng có thể xuất khẩu trở lại sang thị trường Mỹ. Công ty kỳ vọng xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ từ tháng 8/2022 sau khi được hưởng thuế chống bán phá giá POR17 0%, nếu điều này đúng như kế hoạch thì đây sẽ là yếu tố tích cực cho lợi nhuận 2022.

Công ty CP Nam Việt (ANV) được thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Năm 2000, Công ty mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là xí nghiệp thủy sản Mỹ Quý. Hiện nay, Công ty đảm bảo tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Trong đó, 10 lines nhà máy thức ăn với công suất hơn 1,000 tấn thành phẩm/ngày; 17 vùng nuôi cá Cty CP Nam Việt với tổng diện tích mặt nước đạt 250ha; gần 600 ha vùng nuôi Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt - Bình Phú đã xây dựng hoàn thành được 224 ao cá thịt, 64 ao cá giống; 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 1,000 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán