Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC) dừng thoái vốn các công ty thành viên

(Banker.vn) Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC, UPCoM: VEC) tạm dừng thoái vốn tại các đơn vị thành viên theo yêu cầu của SCIC để rà soát lại đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, các công ty con như Vietcom, VTD, Belco đối mặt khó khăn, chủ yếu sống nhờ nguồn thu từ cho thuê mặt bằng, không còn duy trì sản xuất cốt lõi.

Ngày 23/12, Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics, UPCoM: VEC) đã ban hành nghị quyết dừng triển khai thoái vốn tại các đơn vị thành viên. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – cổ đông lớn nắm giữ gần 88% vốn điều lệ VEC – gửi văn bản yêu cầu tạm dừng thoái vốn để có thời gian rà soát lại tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu của công ty giai đoạn 2021-2025.

Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC) dừng thoái vốn các công ty thành viên
Năm 2023, SCIC từng có kế hoạch đấu giá toàn bộ cổ phần tại VEC với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng cho khoảng 38,5 triệu cổ phần

Theo nghị quyết, VEC sẽ tạm dừng kế hoạch chào bán cạnh tranh hơn 2,1 triệu cổ phần của Công ty CP Máy tính và Truyền thông Việt Nam (Vietcom). Trước đó, Tổng Giám đốc VEC đề xuất bán toàn bộ 35,7% vốn sở hữu tại công ty này cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 22.000 đồng/cổ phần, dự kiến thu về không dưới 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này sẽ phải chờ rà soát thêm từ phía SCIC.

Được biết, Vietcom từng là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, đã chuyển hướng hoạt động trong những năm gần đây. Do không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường, công ty đã ngừng triển khai các sản phẩm chủ lực và chuyển sang tận dụng mặt bằng sẵn có cũng như thu nhập tài chính từ tiền gửi ngân hàng. Báo cáo tài chính cho thấy Vietcom liên tục thua lỗ trước thuế trong giai đoạn 2020-2022, làm giảm hiệu quả kinh doanh tổng thể của VEC.

Tình trạng hoạt động không hiệu quả không chỉ xảy ra ở Vietcom mà còn xuất hiện ở các công ty con và công ty liên kết khác của VEC. Hiện tại, VEC sở hữu 12 công ty thành viên, bao gồm những thương hiệu lớn như Viettronics Thủ Đức (VTD), Viettronics Tân Bình (HOSE: VTB) và Điện tử Biên Hòa (Belco, UPCoM: BEL). Trong quá khứ, những doanh nghiệp này từng là biểu tượng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, nổi tiếng với các sản phẩm như tivi, máy giặt, tủ lạnh và quạt điện. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm ngoại nhập, cả về công nghệ lẫn giá thành, các công ty này đã mất dần vị thế và buộc phải dừng sản xuất. Hiện nay, nguồn thu chính của họ đến từ việc cho thuê mặt bằng, thay vì các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi.

Tính đến cuối tháng 9/2024, VEC ghi nhận giá gốc khoản đầu tư vào 12 công ty con và công ty liên kết là 378 tỷ đồng, nhưng đã trích lập dự phòng hơn 148 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản đầu tư vào Viettronics Tân Bình (VTB) được trích lập dự phòng lớn nhất với hơn 58 tỷ đồng, chiếm một nửa giá trị gốc đầu tư.

Năm 2023, SCIC từng có kế hoạch đấu giá toàn bộ cổ phần tại VEC với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng cho khoảng 38,5 triệu cổ phần. Tuy nhiên, phiên đấu giá này đã bị hủy bỏ do không thu hút được sự quan tâm từ nhà đầu tư.

Vinhomes thoái vốn tại công ty con trị giá 3.000 tỷ đồng sau nửa năm thành lập

Vinhomes vừa công bố chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Lighthouse 1, công ty con ...

MobiFone hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

Mới đây, Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chính ...

Tuấn Tú

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục