Cùng tham dự sự kiện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Lễ Kỷ niệm |
Sự kiện còn có sự tham dự của đông đảo đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức khoa học - công nghệ và những trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) qua nhiều thời kỳ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của Cách mạng Việt Nam đã một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu, phấn đấu liên tục và đã có nhiều cống hiến, phát huy sức mạnh đoàn kết trong liên minh công - nông - trí vì sự nghiệp của đất nước, của dân tộc và nhân dân đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước.
Cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tiền thân của VUSTA ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước; đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ nước ta đã ra sức, phát huy tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân cả nước đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng đất nước.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm |
Hai mươi năm sau, ngày 26/3/1983, VUSTA được thành lập; Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, GS-VS Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch đầu tiên. Từ đó đến nay, VUSTA ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ Việt Nam trong và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nội dung cơ bản của hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là kênh quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc lấy ý kiến để quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc.
Trong những năm gần đây, mỗi năm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai khoảng 500 - 600 nhiệm vụ; trong 5 năm qua đã tư vấn, phản biện được khoảng 3.000 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng, các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức khoa học và công nghệ. Liên hiệp hội từ Trung ương tới tỉnh, thành trở thành cầu nối tin tưởng giữa trí thức với Đảng.
Nhiều cán bộ khoa học có năng lực, tuy đã nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe đã tích cực tham gia nghiên cứu ở các hội. Hằng năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước cho tới cơ sở đã được thực hiện ở các hội và các tổ chức khoa học và công nghệ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương cùng với các hội ngành thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc đã có nhiều đóng góp quan trọng hiệu quả. Công tác xã hội hóa đã góp phần tích cực đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển cộng đồng, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Đầu tư cho khoa học và công nghệ từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc thu hút nguồn lực xã hội, từ 20% cách đây 10 năm, thì nay đã lên tới 60%.
Công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ vào cuộc sống được đẩy mạnh, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ tới các hợp tác xã, các hộ gia đình, vùng sâu, vùng xa, góp phần tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, đã được nhân dân đánh giá cao về hiệu quả của hoạt động này.
Công tác tôn vinh trí thức được đề cao, là sự khẳng định, khích lệ đội ngũ trí thức phấn đấu nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn, đã tạo nên một phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Đánh giá cao những thành tích hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong suốt 40 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động; nhiều nhà khoa học đã được vinh danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và có nhiều giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Đồng chí Phan Xuân Dũng cũng cho biết, đất nước đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đến mọi mặt đời sống, xã hội. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tập hợp, đoàn kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên và giới trí thức phát huy tiềm nǎng trí tuệ để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội; kế thừa truyền thống của dân tộc, của cha anh, góp phần đưa khoa học và công nghệ nước nhà trở thành động lực hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
|
TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
“Xin hứa với Tổng Bí thư, với Đảng là đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đất nước tập hợp xung quanh mái nhà chung VUSTA đã đoàn kết, đoàn kết thì càng đại đoàn kết hơn; đã thành công, thành công thì lại càng đại thành công hơn; để thực hiện tốt mong muốn của Tổng Bí thư đã phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ VII của VUSTA ngày 3/6/2015, đó là “VUSTA phải thực sự là nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam”, và phải “làm tròn bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, tính đạo đức, lối sống theo truyền thống dân tộc””, TSKH Phan Xuân Dũng khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.
Tổng Bí thư đã nêu rõ: "Cùng với sự phát triển của dân tộc thì đội ngũ trí thức ngày càng phát triển và trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Nhờ tích cực tham xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ khoa học công nghệ nước nhà, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các hiệp hội thành viên với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để vận động, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước vì sự nghiệp của Đảng của nhân dân và đất nước".
Tổng Bí thư cho biết, Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của các trí thức trong hệ thống Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Trải qua hơn 40 năm, đội ngũ không chỉ không chỉ lớn về số lượng mà cả chất lượng, nhiều nhà khoa học trí thức tài ba, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Tổng bí thư ghi nhận VUSTA đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động, tập hợp trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Trong đội ngũ đó có nhiều tấm gương sáng với những đóng góp lớn cho đất nước như GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS Tôn Thất Tùng, GS Tạ Quang Bửu...
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận VUSTA "chưa tập hợp được nhiều trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu trường đại học và các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào hoạt động các hội".
Trong bối cảnh mới, Tổng bí thư mong muốn đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nước nhà, đặc biệt các trí thức trong VUSTA không được chủ quan, cần nỗ lực và phấn đấu hơn nữa, có nhiều đóng góp hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng phát triển nhanh của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị VUSTA tiếp tục đổi mới hoạt động, thực hiện tư vấn, phản biện, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản, chú trọng sử dụng cán bộ và tôn vinh đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bố trí và sử dụng đội ngũ trí thức hợp lý, có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy, trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động nghiên cứu, viện trường, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế hợp tác trong nước.