Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng

(Banker.vn) Mặc dù gần 90% kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được giải quyết nhưng tình trạng khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng.
Vẫn còn trên 60% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai Ngày 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về phát triển năng lượng Khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội

Đó là khẳng định của Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/10/2023.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Tài nguyên và Môi trường.

Gần 90% kiến nghị của cử tri được giải quyết

Qua giám sát cho thấy, có một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần được các cơ quan có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: Việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn Đại biểu quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; Việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số Bộ, ngành chưa đảm bảo thời hạn; Việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ ngành còn chậm...

Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại UBTV Quốc hội

Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 89,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 54/69 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.331/2.605 kiến nghị.

Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Tiếp thu kiến nghị cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm.

Theo đó, hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm. Hoạt động chất vấn đã thể hiện sự đổi mới liên tục, từ việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn bám sát thực tiễn. Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, như: Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng nêu rõ, việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết; vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù đã được pháp luật quy định.

Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng
Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ. Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình ban hành chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân vùng An toàn khu cách mạng, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời đến với người thụ hưởng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành còn hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng quy định trong văn bản hướng dẫn không đúng với quy định của luật hoặc có sai sót nên có quy định không được thực hiện. Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, rà soát tổng thể Nghị định số 118 và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung bảo đảm không trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính và rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri sau khi ĐBQH tiếp xúc cử tri theo quy định.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Gia tăng các vụ khiếu nại, tố cáo

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 9/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 8/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 374 lượt với 756 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 370 vụ việc và có 19 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 8/2023, tăng 32 lượt công dân và 31 vụ việc.

Tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tại thành phố Hà Nội thường xuyên có từ 40 – 50 công dân của 20 địa phương khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại Trung ương, hàng ngày số người này nhiều lần tập trung đông người rồi di chuyển đến trung tâm chính trị Ba Đình gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình thông tin, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 5.844 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.468 vụ việc. Qua tiếp công dân, đã ban hành 986 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng tăng 23,8% so với năm 2022, các cơ quan nhận được tổng số 33.334 đơn thư của công dân chuyển đến. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, các cơ quan đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và giám sát việc giải quyết đối với 122 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp để kiến nghị giải quyết dứt điểm.

Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng
Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế đã được nêu cụ thể tại Báo cáo đầy đủ, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội có một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH; Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn những hạn chế, tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết…

Đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc thực hiện một số kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương…

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương