Tình hình kinh doanh và số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn ra sao?

(Banker.vn) Vượt qua Vinachem, Tập đoàn Hoành Sơn đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao vàng khi sở hữu hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đây được xem là “cú chốt” cho cuộc thâu tóm Cao su Sao Vàng của Tập đoàn Hoành Sơn.

Mới đây, Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Theo đó, từ ngày 29/11 - 1/12, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã mua thỏa thuận hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC từ ông Nguyễn Tiến Ngọc, ông Nguyễn Huy Hùng, bà Trần Thị Thúy Hằng, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Hồ Viết Hùng và ông Nguyễn Tiến Dũng.

Sau khi mua vào thành công số cổ phiếu SRC nói trên, Tập đoàn Hoành Sơn nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,54% lên 50,22%. Với việc sở hữu 50,22% vốn tại SRC, Tập đoàn Hoành Sơn đã vượt qua Tập đoàn Hóa chất Việt Nam- Vinachem (36%) trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này.

2435-src-sao-vang
Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ.

Hành trình thâu tóm “chim đầu đàn mỏi cánh”

Theo tìm hiểu, Cao su Sao Vàng là một trong những doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm, gắn liền với nhiều cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Sau khi miền Bắc giải phóng, ngày 7/10/1956, xưởng đắp vá săm lốp ôtô đã được thành lập, chính thức hoạt động vào tháng 11/1956. Đến đầu năm 1960, xưởng sáp nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng và chính là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội sau này.

Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm (1958-1960), Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng khu công nghiệp Thượng Đình gồm 3 nhà máy: Cao su – Xà phòng – Thuốc lá Thăng Long. Công trường được khởi công xây dựng ngày 22/12/1958.

Ngày 6/4/1960, nhà máy tiến hành sản xuất thử những sản phẩm săm, lốp xe đạp đầu tiên ra đời mang nhãn hiệu Sao Vàng. Ngày 23/5/1960 nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành và đây trở thành ngày truyền thống của nhà máy.

Năm 1992, theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng, nhà máy đổi tên thành Công ty Sao Vàng. Đến năm 2006 chuyển đổi thành Công ty CP Cao su Sao Vàng, niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ năm 2009 với mã SRC.

Từng là “chim đầu đàn” của ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm cao su của Việt Nam, Cao su Sao Vàng từng nhiều năm duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả, có doanh thu lớn và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, khi sức cầu của thị trường giảm sút, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sử dụng lốp Radial và sản phẩm của công ty chịu sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hàng nhập khẩu, Cao su Sao Vàng đã gặp không ít thách thức.

Bằng chứng là trong giai đoạn 2009 – 2011, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy khả quan. Trong khi doanh thu duy trì ở mức nghìn tỷ nhưng lợi nhuận lại “bốc hơi” liên tục. Biên lợi nhuận ròng năm 2011 thậm chí chỉ đạt 0,19%. Từ đó đến năm 2018, doanh nghiệp này đã đánh mất mức doanh thu nghìn tỷ, trong khi lợi nhuận không thể vượt quá con số 102 tỷ đồng ghi nhận hồi năm 2009 mà chỉ loanh quanh ở mức vài chục tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh và số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn ra sao?
Tình hình kinh doanh của Cao su Sao vàng trước khi Tập đoàn Hoành Sơn "thâu tóm"

Trong bối cảnh tình hình khi doanh đang có chiều hướng đi xuống, năm 2019, Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tiến hành thoái 15% vốn tại SRC, đồng thời Cao su Sao Vàng xuất hiện những cổ đông mới. Trong đó đáng nói đến, Tập đoàn Hoành Sơn đã “thâu tóm” gần 6,9 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn thứ hai tại Cao su Sao Vàng với 24,54% vốn điều lệ, chỉ sau Vinachem (36% vốn điều lệ).

Ngày 16/12/2019, SRC đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường, lúc này ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn đã được bầu vào vị trí thành viên HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sau đó không lâu, ngày 28/12/2019, ông Sơn chính thức thay thế ông Lâm Thái Dương giữ chức Chủ tịch HĐQT SRC và đảm nhận vai trò này đến hiện tại.

Cao su Sao vàng làm ăn ra sao dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn?

Vừa ngồi vào ghế Thành viên HĐQT của Cao su Sao Vàng được 2 tháng, tức đầu năm 2020, ông Phạm Hoành Sơn đã nhanh chóng thành lập công ty về săm lốp có sự kết hợp của cả hai bên là Công ty CP Sao Vàng - Hoành Sơn, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Cao su Sao Vàng góp 50%, Tập đoàn Hoành Sơn 49% và vợ ông Sơn là bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 1%.

Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Cao su Sao Vàng chưa có nhiều đột phá nhưng kết quả kinh doanh đã có sự khởi sắc trong những năm gần đây, sau khi chạm về mức đáy lợi nhuận vào 2018. Cụ thể, năm 2019-2020 doanh thu của Cao su Sao Vàng có bước tiến khi tăng trưởng trở lại. Biên lợi nhuận ròng của năm 2020 đạt 5,4%. Tuy nhiên, từ đó đến năm 2022, doanh nghiệp này lại có xu hướng đi xuống khi lợi nhuận giảm xuống chỉ vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng năm 2022 giảm xuống chỉ còn 3%.

Mới nhất, sau 9 tháng đầu năm 2023, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu thuần đạt 709 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, doanh nghiệp này lãi trước thuế 22 tỷ đồng, giảm đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, giữa bối cảnh kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn và khó lường, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức do có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt. Mặc dù vậy, Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng Phạm Hoành Sơn vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,1 lần và 2,6 lần con số thực hiện năm 2022. Tuy nhiên với kết quả đạt được, Cao su Sao Vàng mới thực hiện hơn 35% kế hoạch doanh thu và 22% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Tình hình kinh doanh và số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn ra sao?

Tình hình kinh doanh của Cao su Sao vàng dưới thời Chủ tịch Phạm Hoành Sơn

Tiến độ Dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn” tại 231 Nguyễn Trãi ra sao?

Mặc dù năm 2019, Tập đoàn Hoành Sơn mới chính thức gia nhập ĐHĐCĐ của Cao su Sao Vàng nhưng trên thực tế, mối lương duyên giữa hai doanh nghiệp này đã bắt đầu từ năm 2016, khi SRC lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn" tại 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội).

Cần biết, dự án này được SRC ấp ủ từ năm 2010, vào thời điểm Hà Nội ra chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô thành phố. Tuy nhiên, sau suốt 6 năm ròng, SRC mới tìm người để "chọn mặt gửi vàng", cùng ký hợp đồng đầu tư dự án kể trên. Sự lựa chọn của SRC khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi đối tác chẳng phải các "ông lớn" đương thời mà là cái tên khá mới mẻ - Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.

Khi đó - tháng 6/2016, SRC và Hoành Sơn đã ký kết một hợp đồng hợp tác. Nội dung hợp đồng là đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai dự án trên khu đất 6,3ha với mặt tiền trải dài 250m dọc đường Nguyễn Trãi, nằm đối diện dự án Royal City. Theo đó, một pháp nhân dự án đã được lập ra là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn SRC góp 26% vốn bằng nguồn vốn vay của Tập đoàn Hoành Sơn.

Về phía Hoành Sơn, doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ kinh phí để Công ty CP Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh và số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn ra sao?
Bản đồ vị trí dự án ổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn” tại 231 Nguyễn Trãi

Dự án này có tên gọi khá mỹ miều "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn", gồm đầy đủ các chức năng văn phòng, thương mại, đến nhà ở cao cấp để bán hoặc cho thuê. Dự án được hai bên triển khai thông qua công ty liên doanh Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn, có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, sau nâng lên 500 tỷ đồng vào đầu năm 2017.

Như đã nói ở trên, đến nay, Hoành Sơn đã "thâu tóm" thành công SRC, khi đưa ông Sơn lên nắm quyền chủ tịch, còn tập đoàn trở thành cổ đông lớn nhất. Nội bộ thay đổi nhanh chóng là thế, thế nhưng tiến độ thực hiện dự án khu đất 231 Nguyễn Trãi lại giậm chân tại chỗ.

Sự chậm trễ và ì ạch này được phản ánh qua khoản kinh phí hỗ trợ di dời nhà máy. Cụ thể, sau khi vượt thời hạn thỏa thuận 2 năm, đến nay Hoành Sơn mới chỉ "giải ngân" được cho SRC 143,5 tỷ đồng, tương ứng 33% tổng kế hoạch. Có lẽ, tiến độ dự án đã không còn nằm trong sự kiểm soát của ban lãnh đạo SRC.

Không còn nhẫn nại, ngày 15/6 vừa qua, HĐQT SRC quyết định "đóng dấu niêm phong" dự án khu 231 Nguyễn Trãi, thông qua nghị quyết số 144.

Tại báo cáo tài chính quý II/2020 có nêu: Dự án di dời nhà máy đã bị dừng triển khai thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi do không còn phù hợp với điều kiện hiện tại. Điều này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau hành trình hơn10 năm, SRC chấp nhận sự thất bại của dự án khu "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi, dự án từng được hy vọng sẽ là đối thủ của khu đô thị Royal City.

Tại thời điểm 30/6/2023, SRC ghi nhận khoản đầu tư có giá trị ghi sổ 130 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.

Phát Đạt muốn chào bán hơn 134 triệu cổ phiếu để “bơm vốn” cho 4 dự án
Thị trường chứng khoán ngày 25/7/2023: Thông tin trước giờ mở cửa
Simco Sông Đà (SDA) sắp chuyển nhượng hàng loạt khoản đầu tư không hiệu quả

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán