Tin xấu liên tiếp bủa vây thị trường bất động sản Trung Quốc

(Banker.vn) Những dấu hiệu căng thẳng tài chính mới ở Trung Quốc đang xuất hiện gần như hàng ngày, một gã khổng lồ bất động sản đang nỗ lực để tránh vỡ nợ và một công ty quản lý nợ xấu do nhà nước điều hành bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ của thị trường trái phiếu đang lo lắng về sức khỏe của chính mình.

Trong dấu hiệu mới nhất về cuộc vật lộn với thanh khoản của mình, Country Garden Holdings Co. đã đề xuất thời gian ân hạn là 40 ngày đối với trái phiếu đáo hạn bằng đồng Nhân dân tệ khi công ty tìm cách giành được sự hỗ trợ của chủ nợ để kéo dài thời gian thanh toán đến năm 2026. Trong khi đó, trái phiếu bằng đồng USD của Công ty Quản lý tài sản Vạn Lý Trường Thành (China Great Wall Asset Management Co.) hôm nay (ngày 29/8) đã giảm mạnh nhất trong năm nay khi các nhà phân tích bày tỏ lo ngại về việc công ty trì hoãn công bố thu nhập năm 2022.

Những tín hiệu cảnh báo không ngừng từ thị trường tín dụng đang làm tăng thêm mối lo ngại lớn hơn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi các nhà chức trách vẫn tỏ ra miễn cưỡng về việc áp dụng biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn ngay cả khi cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có ngày càng trở nên căng thẳng.

Các dấu hiệu lây lan từ khủng hoảng nhà ở đã gia tăng trong những tuần gần đây, từ việc một trong những ngân hàng “trong bóng tối” lớn nhất Trung Quốc không thanh toán được cho đến việc tháo chạy khỏi trái phiếu trong các nhà phát triển bất động sản ở Hồng Kông.

Ting Meng, chiến lược gia tín dụng cấp cao tại Tập đoàn Ngân hàng ANZ, cho biết: “Tôi thấy khả năng thiệt hại tài sản thế chấp lớn hơn sẽ gia tăng, mặc dù hiện tại, tôi chưa thấy vấn đề này trở thành một vấn đề mang tính hệ thống”. “Có nhiều yếu tố trộn lẫn với nhau, không chỉ lĩnh vực bất động sản mà cả sự tái cơ cấu tổng thể của nền kinh tế vĩ mô.”

Country Garden, doanh nghiệp có các dự án phát triển bất động sản tại hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc, đã đưa ra đề xuất cho những người nắm giữ trái phiếu quyền bỏ phiếu tại một cuộc họp chậm nhất là vào ngày 31/8, theo hồ sơ gửi lên nền tảng công bố riêng của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Trái phiếu có ngày đáo hạn ban đầu là ngày 2/9, sẽ đáo hạn vào ngày 4/9.

Trong hồ sơ, Country Garden cho biết nếu thành công trong việc có được thời gian ân hạn, thì bất kỳ khoản thanh toán “gốc và/hoặc lãi” nào của trái phiếu trong khoảng thời gian đáo hạn hoặc đảm bảo gia hạn sẽ không gây ra tình trạng vỡ nợ.

Đề xuất mới nhất của Country Garden, doanh nghiệp có cuộc khủng hoảng tiền mặt ngày càng tồi tệ đã làm rung chuyển thị trường Trung Quốc trong những tuần gần đây, được đưa ra sau khi nhà phát triển bất động sản này hồi đầu tháng 8 này đã yêu cầu kéo dài thời gian thanh toán khoản nợ gốc trị giá 3,9 tỷ Nhân dân tệ (535 triệu USD) của trái phiếu sang năm 2026. Sự việc này được đánh giá sẽ tác động đến thị trường nhà đất thậm chí còn nhiều hơn cả vụ vỡ nợ vào cuối năm 2021 của Tập đoàn Evergrande vì tập đoàn này có số lượng dự án nhiều hơn gấp 4 lần so với Evergrande.

Theo hồ sơ nêu chi tiết chương trình nghị sự, các trái chủ sẽ bỏ phiếu về đề xuất thời gian gia hạn tại cuộc họp từ ngày 29 – 31/ 8. Country Garden trước đó cũng lùi thời hạn bỏ phiếu về yêu cầu gia hạn trái phiếu sang ngày 31/8 như dự kiến ​​ban đầu.

Trong khi đó, Great Wall Asset Management, một trong 4 công ty xử lý nợ xấu lớn của Trung Quốc, đã chứng kiến ​​trái phiếu bằng đồng USD của mình bị bán tháo.

Sự sụt giảm này xảy ra sau khi thông tin được đưa ra về việc bàn giao dịch của BNP Paribas nói rằng các giao ước của trái phiếu đáo hạn vào năm 2027 yêu cầu người được ủy thác chứng khoán phải nhận báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc một năm, với thời gian gia hạn 60 ngày, nếu không đây có thể là một sự vi phạm giao ước.

Great Wall và China Huarong Asset Management Co. trong những năm gần đây đã trì hoãn công bố báo cáo thường niên, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của ngành sau đại dịch và thúc đẩy việc bán tháo trái phiếu bằng đồng USD của các công ty này. Huarong đã nhận được gói cứu trợ trị giá 42 tỷ Nhân dân tệ do nhà nước sắp xếp sau khi tiết lộ khoản lỗ kỷ lục 102,9 tỷ Nhân dân tệ của năm 2020.

Trong khi đó, Tập đoàn Evergrande cho đến nay vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, đã trì hoãn các cuộc bỏ phiếu quan trọng về kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài chỉ vài giờ trước khi diễn ra vào ngày 28/8. Quyết định này đã làm tăng thêm sự không chắc chắn trong một quá trình kéo dài nhằm hoàn tất một trong những cuộc tái cơ cấu lớn nhất từ ​​trước đến nay ở quốc gia này.

Trong một tín hiệu đáng lo ngại khác, công ty xây dựng Sino-Ocean Group Holding Ltd. được nhà nước hậu thuẫn được cho là đang đàm phán để thuê Houlihan Lokey Inc. làm cố vấn tài chính trong việc tìm hiểu các lựa chọn về xử lý nợ nước ngoài. Hồi đầu tháng, công ty xây dựng này đã nhận được sự chấp thuận gia hạn 3 khoản thanh toán lãi trái phiếu, giúp cho công ty này có chút không gian “dễ thở” sau khi những lo ngại về đòn bẩy và thanh khoản đã đẩy trái phiếu bằng đồng USD của công ty này xuống mức thấp kỷ lục.

Trong một diễn biến khác, Country Garden được cho là đang
lên kế hoạch phát hành 270 triệu đô la Hồng Kông (34,4 triệu USD) cổ phiếu mới để thanh toán các khoản vay.
Theo thông báo gửi tới Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông,
công ty này sẽ phát hành khoảng 350,6 triệu cổ phiếu với giá 0,77 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên, Country Garden sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền mặt nào từ số tiền thu được. Số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu này sẽ được sử dụng để bù đắp 318,8 triệu đô la Hồng Kông mà Country Garden nợ Kingboard - một nhà sản xuất có trụ sở tại Hồng Kông - như một phần của khoản vay được thu xếp vào tháng 12/2021.
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng được cho là đang chuẩnbị cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp và tiền gửi hiện có để thúc đẩy tăng trưởng.

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ