Tin trò livestream 'đổ thạch' tìm ngọc, nhiều người bị lừa tiền tỷ

(Banker.vn) Nhiều nạn nhân mất hàng tỷ đồng vì tin lời nhóm đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia chơi trò livestream cắt đá, “đổ thạch” tìm ngọc nhận thưởng trên mạng xã hội.
"Chung" tiền đập đá tìm ngọc nở rộ trên TikTok: Mập mờ, nhiều rủi ro "Chung" tiền đập đá tìm ngọc trên TikTok: Luật sư nói gì? "Chung" tiền đập đá tìm ngọc: Cơ quan quản lý yêu cầu TikTok xử lý dấu hiệu hình sự, trốn thuế Tiêu chuẩn Cộng đồng TikTok “buông lỏng” để hoạt động "chung" tiền đập đá tìm ngọc lộng hành?

Nhiều nạn nhân sập bẫy chiêu trò “đổ thạch”

Chiều 27/3, thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các tài khoản livestream quảng cáo “cắt đá quý”, “đổ thạch” tìm ngọc. Nhiều người đã mất tiền khi tham gia trò cắt đá tìm ngọc nhận thưởng.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là dụ dỗ người chơi đầu tư đặt cọc các viên đá trên livestream. Sau đó các đối tượng sẽ cắt đá trực tiếp trên phiên livestream. Nếu bên trong lõi là ngọc thì sẽ có tiền thưởng còn không có gì sẽ hoàn lại tiền đặt cọc cho người chơi.

Do thấy dễ chơi có thưởng lại được hứa sẽ trả lại tiền, chị T (SN 1994, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) đã tham gia đặt cược cắt đá. Qua 4 lô đầu tiên đặt cọc, các viên đá cắt ra đều không có ngọc.

Đến lô thứ 5, người livestream hướng dẫn chị đặt khoảng 150 triệu đồng, sau đó chị được thông báo trúng thưởng số tiền gần 3 tỷ đồng. Lúc này các đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền đóng thuế của phần thưởng thì mới được nhận tiền.

Sau khi chị T chuyển tiền đóng thuế thì người livestream đã chặn Facebook của chị. Phát hiện mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền mà chị bị chiếm đoạt là gần 300 triệu đồng.

Tin trò livestream 'đổ thạch' tìm ngọc, nhiều người bị lừa tiền tỷ
Hoạt động "đổ thạch" xuất hiện nhiều trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Ảnh: Hải Sơn

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội cũng tiếp nhận trình báo của 1 người phụ nữ trú tại quận Long Biên (Hà Nội) về việc bị lừa đảo khi tham gia “đổ thạch” trên mạng xã hội. Theo nạn nhân, quá trình tham gia đã bị các đối tượng lừa mất số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng.

Hay vào tháng 1/2025, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 8 đối tượng, gồm: Hoàng Thị Vĩnh, Hoàng Thị Phòng, Hoàng Văn Du và Hoàng Thị Sen, cùng trú tại tỉnh Yên Bái; Xa Văn Định, trú tại tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Văn Long, Hoàng Thị Khuyên, cùng trú tại tỉnh Hà Nam và Linh Văn Đông, trú tỉnh Lạng Sơn về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức của nhóm đối tượng này là kêu gọi người dân đóng tiền để mua suất “đổ thạch” với lời hứa lợi nhuận cao.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Thái Bình cũng đưa ra khuyến cáo người dân cần cảnh giác với chiêu trò đập “đổ thạch” trên mạng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo một cán bộ Công an thành phố Hà Nội, chiêu trò của các đối tượng này là sẽ tạo lập các nhóm, tài khoản mạng xã hội Facebook, TikTok để quảng bá các cục đất, đá thông thường được cho là chứa đá quý bên trong.

Các đối tượng sẽ tạo tình huống giả rằng người mua trúng đá quý có giá trị cao và sẽ được mua với giá hấp dẫn, đánh vào lòng tham của người xem.

Khi có người muốn tham gia trò may rủi đập “đổ thạch”, các đối tượng yêu cầu người tham gia chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định, từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ tiến hành đập mở các viên “đổ thạch” do người dân đã mua, nhưng kết quả các viên trên đều không có giá trị. Kết quả người chơi mất toàn bộ số tiền mà mình đã chuyển cho các đối tượng.

“Nếu gặp các trường hợp lừa đảo tương tự, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật”, vị cán bộ Công an thành phố Hà Nội đề nghị.

Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời gian gần đây, hoạt động tổ chức livestream bán đá quý, đập đá tìm ngọc xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội TikTok, Facebook với những thông tin mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng vô cùng sôi động, hút người chơi.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trên thực tế, không ai biết giá trị thực sự của những ổ đá trước khi được bán hoặc được đập ngay trên sóng livestream.

Thậm chí, cơ quan nhà nước cũng không thể quản lý được giá bán của mặt hàng này, không thể kiểm tra, thu thuế vì không một ai biết giá trị thực sự của những viên đá này. Số tiền lãi, lỗ mà người tổ chức livestream, đập các ổ đá thu về là bao nhiêu? Trong khi đó, đá ở ngoài tự nhiên có rất nhiều, muốn tìm tổ chức bán không khó.

Tin trò livestream 'đổ thạch' tìm ngọc, nhiều người bị lừa tiền tỷ
Các Fanpage nhóm đối tượng lập ra để livestream thực hiện hành vi lừa đảo “đổ thạch” online. Ảnh: Công an Lạng Sơn.

“Hoạt động này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân, nhưng điều đáng nói là các phiên livestream này vẫn đang tiếp tục được tổ chức công khai, thu hút nhiều người tham gia. Người bán các ổ đá thậm chí còn sử dụng nhiều thuật ngữ tinh vi để né tránh thuật toán kiểm tra của các nền tảng mạng xã hội. Đây là thủ đoạn mới với nhiều hình thức, chiêu trò độc lạ.

Vì vậy, để không trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “đổ thạch”, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với hoạt động này”, Luật sư Diệp Năng Bình đưa ra lời khuyên.

Còn theo luật sư Ma Văn Giang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đối với hoạt động livestream “đổ thạch” online, trường hợp người bán biết rõ bên trong những viên đá thô không có đá quý nhưng vẫn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, có hành vi gian lận, dùng thủ đoạn gian dối để bán những viên đá giả, đá không có giá trị với giá cao thu về tiền thật thì hành vi này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù nhẹ nhất là 6 tháng và cao nhất là tù chung thân theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Ma Văn Giang cho hay.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng tình trạng khẩn cấp... người vi phạm có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Hải Sơn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục