Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu miền Trung – Tây Nguyên

(Banker.vn) Dù nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về đơn hàng, vẫn có những doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên đang liên tục tăng ca để kịp giao hàng cho đối tác.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành Công Thương Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp cận các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài

Tăng ca, xuất nhiều container hàng

Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu bị thiếu hụt đơn hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp xuất khẩu của miền Trung - Tây Nguyên tất bật tăng ca, liên tục có những lô hàng xuất khẩu và chinh phục được thị trường mới.

Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Gia Lai (Doveco Gia Lai) là một trong những đơn vị xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai chuyên chế biến, xuất khẩu rau quả. Thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là EU, Mỹ, Úc và Trung Quốc. Không khí sản xuất ở doanh nghiệp ngay từ đầu năm đến nay luôn khẩn trương, chuyên nghiệp để đảm bảo tiến độ, chất lượng đơn hàng xuất khẩu.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu miền Trung – Tây Nguyên
Công nhân công ty Hương Quế (Đà Nẵng) đang tất bật tăng ca để kịp giao hàng cho đối tác vào đầu tháng 3/2023

Ông Đinh Văn Tĩnh – Đại diện Công ty cho biết, ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán (ngày 25/1) Công ty đã bắt đầu thu mua nguyên liệu cho người dân và chính thức bắt đầu sản xuất trở lại ngay từ mùng 5 Tết (tức 26/1). “Ngay trong tuần đầu tiên đi làm trở lại, Công ty đã xuất được 5 container hàng khai Xuân”, ông Tĩnh thông tin và cho biết doanh nghiệp vẫn duy trì đều đặn những đơn hàng xuất đi các thị trường truyền thống.

Liên tục tăng ca đến 21h hàng ngày từ tháng 01/2023 đến nay, hàng trăm người lao động công ty TNHH SX,CB,KD,XNK Hương Quế (thành phố Đà Nẵng) đang nỗ lực để đảm bảo tiến độ cho đơn hàng xuất khẩu sắp tới. “Công ty chúng tôi đã liên tục tăng ca, thậm chí người lao động chỉ nghỉ 5 ngày Tết, để kịp hoàn thành 4 container và 20 feets hàng giao cho đối tác tại EU và Nam Mỹ vào ngày 01/3 tới đây”, Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc công ty chia sẻ và nói thêm “Với việc tăng ca sản xuất, một mặt vừa góp phần tăng thu nhập cho người lao động, mặt khác đảm bảo giao hàng đúng cam kết về thời gian cho đối tác”.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu miền Trung – Tây Nguyên
Đại diện Công ty Mỹ Phương Food (Đà Nẵng) chia sẻ đơn vị đã có hợp đồng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch vào giữa tháng 3/2023

Tương tự, tại công ty TNHH Thực phẩm Mỹ Phương Food (Đà Nẵng), những ngày này người lao động cũng "đi sớm, về tối" tất bật làm việc và tăng ca để kịp đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi đã ký kết thành công đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc vào tháng 3/2023. Hiện công ty đang tăng ca để đảm bảo tiến độ giao hàng”, bà Mai Thị Ý Nhi, đại diện Công ty chia sẽ và cho biết thêm do hạn chế về mặt bằng sản xuất nên đơn vị sản xuất cuốn chiếu, xong container nào xuất container đó.

Giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới

Đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung – Tây Nguyên cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 15 – 20% trong năm 2023, ngoài giữ vững thị trường truyền thống, các doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, phát triển ở thị trường mới tiềm năng như Nam Mỹ, Trung Đông.

Năm 2022, mặc dù thế giới có nhiều biến động bất lợt cho xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của công ty Doveco Gia Lai vẫn tăng 25% so với năm 2021. Năm 2023, đơn vị đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 58 triệu USD. Để hoàn thành mục tiêu này, ông Tĩnh cho biết trong năm 2023, đơn vị sẽ tăng cường sản xuất, chế biến các mặt hàng có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu sẵn có hoặc đã trồng cấy ổn định như chanh dây, dứa, xoài, chuối, ngô ngọt...Đặc biệt là duy trì các khách hàng hiện có, mở rộng thêm thị trường tại khu vực khác như Trung Đông... để đơn hàng luôn dồi dào, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu miền Trung – Tây Nguyên
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung - Tây Nguyên có những tín hiệu vui từ đơn hàng đầu năm và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Hương Quế cho biết đơn vị luôn chú trọng giữ vững thị trường truyền thống nhưng đồng thời phát triển các thị trường mới tiềm năng như Nam Mỹ, Trung Đông. Được biết, một trong 2 đối tác đơn hàng 4 container sắp tới là đối tác mới của công ty và là doanh nghiệp rất lớn, uy tín. “Chúng tôi đã có tới 3 năm tìm hiểu, đàm phán và chinh phục được đối tác này. Đặc biệt trong chuyến hàng đầu tiên và đầu năm mới, ngoài bảo bảo chất lượng, số lượng thì đúng tiến độ giao hàng là bắt buộc”, ông Sơn thông tin thêm.

Còn đại diện Công ty Mỹ Phương Food thì cho biết ngoài duy trì thị trường truyền thống là thị trường nội địa, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm nay, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm thị trường Trung Quốc, Mỹ…. “Thị trường nội địa chúng tôi đã cơ bản ổn định và tương đối bão hòa. Mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2023 là mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu đầu tiên của năm đã đạt được đó là đàm phán thành công và có hàng chính ngạch đi thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với doanh nghiệp”, bà Ý Nhi chia sẻ.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương