Tín dụng tăng giật cục, ngân hàng gắng sức đảm bảo mục tiêu cả năm

(Banker.vn) Diễn biến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay khá giật cục, mức tăng đã chững lại trong tháng 7/2024 và nhích nhẹ trong nửa đầu tháng 8.
Tín dụng tăng trưởng dương, ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn trung, dài hạn Tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng họp bàn giải pháp thúc đẩy Tín dụng tăng 'sốc' trong tháng 6: Vốn thật hay con số làm đẹp?

Đà tăng “trồi, sụt”

Đà tăng của dòng vốn vào nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí ngấp nghé mức tăng trưởng âm trong tháng 7 trước khi nhích nhẹ lên một chút vào giữa tháng 8. Tăng trưởng tín dụng chưa khi nào “đỏng đảnh” đến thế.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay khá giật cục. Tháng 1, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức âm 0,68% so với cuối năm 2023; tháng 2 tiếp tục âm 0,75%; sang tháng 3 nhích nhẹ lên 1,42% và tháng 4 tiếp tục đà tăng 2.01%. Sang tháng 5, thị trường ghi nhận mức tăng tốt hơn khi tín dụng vào nền kinh tế đạt 3,43%. Cùng thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo ngành ngân hàng phải quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, phấn đấu đạt mức 5-6% trong 6 tháng đầu năm. Và tín dụng đã thực sự “bùng nổ” trong tháng 6 khi đến ngày 28/6 đã chạm mốc tăng 6% theo đúng mục tiêu đề ra với 14,3 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.

Tín dụng tăng giật cục, ngân hàng gắng sức đảm bảo mục tiêu cả năm
Tín dụng tăng giật cục, ngân hàng gắng sức đảm bảo mục tiêu cả năm. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mức tăng tín dụng đã chững lại trong tháng 7/2024, thậm chí là ghi nhận tăng trưởng âm. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023, con số thấp hơn mức 6% của 6 tháng đầu năm.

Tính mùa vụ, những bất ổn của kinh tế thế giới, cho vay nhà ở xã hội chưa được nới lỏng, kênh bất động sản thu hút vốn… là những yếu tố được đưa ra để lý giải cho việc chững lại của tăng trưởng tín dụng trong tháng 7. Dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi từ tháng 8 trở đi và có sự bứt phá trong quý 4 tới. Điều này hẳn có cơ sở. Trên thực tế, số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng đã tăng 6,25% so với cuối năm 2023.

Giả sử, tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng cán mốc 7% thì trong 4 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng phải đẩy mạnh bung vốn ra nền kinh tế đạt trung bình mức tăng 1,75-2% mỗi tháng thì mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% của năm nay. Giới chuyên gia phân tích cho rằng, con số này tuy có không ít thách thức nhưng vẫn nhiều kỳ vọng đạt được bởi cầu tín dụng thường có những đột phá vào cuối năm.

Kỳ vọng mùa kinh doanh cuối năm, hàng ngàn tỷ đồng tiếp tục được bơm ra thị trường

Công ty cổ phần chứng khoán VPBankS trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố mới đây đã đưa ra dự báo: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự phóng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Thực tế, từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh đưa vốn ra nền kinh tế thông qua các gói vay ưu đãi về lãi suất, dịch vụ; đồng thời tiếp tục duy trì các gói vay với lãi suất ưu đãi cho những lĩnh vực ưu tiên. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, ngân hàng triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Cùng với việc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% so với mức sàn lãi suất cho vay trên thị trường thì Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank dành tiếp hơn 100.000 tỷ đồng vốn ưu đãi phục vụ khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh. Từ nay đến hết ngày 31/10/2024 hoặc đến khi đạt ngân sách của chương trình, khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 6,0%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Đây là mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa ra mắt gói vay ưu đãi và cải tiến dịch vụ giải ngân siêu tốc, phê duyệt tự động trong ngày và dung trước tín chấp tới 1 tỷ đồng trên nền tảng số BIZ MBBank. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước và góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm cho lực lượng lao động cũng như tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME vẫn khó khăn khi cận và sử dụng nguồn vốn do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp; tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50 – 60%. Vì thế, trong chương trình ưu đãi này, MB đang áp dụng mức lãi suất chỉ từ 0,54%/tháng cho doanh nghiệp sử dụng sản phẩm Cấp hạn mức online trên ứng dụng BIZ MBBank nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp SME tối ưu chi phí vận hành và nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Cũng hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp SME, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai gói tín dụng lãi suất siêu ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm/kỳ hạn 3 tháng và từ 6%/năm với khoản vay có kỳ hạn trên 3 tháng đến 6 tháng, cố định suốt thời gian vay từ nay đến hết 31/12/2024.

Tại Ngân hàng Eximbank gói vay bổ sung vốn kinh doanh dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) vừa được nhà băng này triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu mùa kinh doanh cuối năm. Với mức cho vay lên đến 90% doanh thu, doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư vào mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hoặc đáp ứng các đơn hàng lớn. Lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,25%/ năm cùng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí tài chính. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt nhanh chóng, chỉ trong vòng 8 giờ và giải pháp thanh toán hiện đại tích hợp QR code giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và quản lý tài chính hiệu quả.

Hay tại SHB, ngân hàng này cũng đưa ra nhiều gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất với cơ chế linh hoạt và nhiều ưu đãi phù hợp tới doanh nghiệp như: Gói 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với lãi suất cạnh tranh, gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể vay gói tín dụng quy mô 50 triệu USD với lãi suất từ 4,5%/năm và được miễn/giảm 66 loại phí dịch vụ.

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cầu tiêu dùng, tín dụng, đầu tư và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức 15%. Cùng với việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung các nguồn vốn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...”- Phó thống đốc khẳng định.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục