Tín dụng ngân hàng góp phần tích cực hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, kinh tế nhiều nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) đến quý III/2022 tăng trưởng vượt mọi dự báo. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của dòng vốn tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, kinh tế nhiều nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) đến quý III/2022 tăng trưởng vượt mọi dự báo. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của dòng vốn tín dụng ngân hàng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina căng thẳng kéo dài như bồi thêm cú sốc vào sự phục hồi vốn mong manh của nền kinh tế thế giới khi giá dầu và giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất trên phạm vi toàn cầu liên tục leo thang. Lạm phát theo đó gia tăng không chỉ ở các nước lớn mà cũng có dấu hiệu gia tăng ở các quốc gia khu vực. Trước áp lực lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 290 lượt điều chỉnh lãi suất từ các ngân hàng, trong đó có khoảng 247 lượt điều chỉnh tăng trong khi chỉ có 10 lượt điều chỉnh giảm.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn với nguy cơ suy giảm tăng trưởng trước tác động thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trong nỗ lực kiểm soát lạm phát toàn cầu, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được đảm bảo ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi, lạm phát được kiểm soát. Có thể nói, nền kinh tế trong nước đạt được những thành tựu lội ngược dòng đáng ghi nhận, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2022 tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực châu Á. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Tín dụng tăng theo đà hồi phục của nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2022 đạt 11,5% so với cuối năm 2021, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong các tháng qua. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn thì mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
 


Thời gian qua, tín dụng ngân hàng đã góp phần tích cực hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế  (Ảnh: Nguồn Internet)
 
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2022 của Vụ Dự báo, thống kê - NHNN cho biết, dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,1% trong quý IV/2022 và tăng 14,9% trong năm 2022, xấp xỉ mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước (15%).

Ngay từ đầu năm, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6 - 6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, ngày 21/02/2022, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 cho từng TCTD. Tiếp theo, ngày 31/8/2022, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD có đề nghị nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tại Việt Nam, áp lực lạm phát là khá lớn, tỷ lệ tín dụng/GDP cao (cuối năm 2021 là 124% GDP), nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo tỷ lệ này, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của cả hệ thống khoảng 100%, vốn đầu tư của nền kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng gây thách thức lớn cho điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Do đó, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng khoảng 14% nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nếu nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ gây khó khăn thanh khoản hệ thống, các TCTD sẽ đua nhau tăng lãi suất huy động để có nguồn tăng tín dụng. Quan điểm của NHNN là tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; NHNN chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đó, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt. Tính đến cuối tháng 9/2022, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,33%, chiếm 24,89% dư nợ chung toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 14,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%); tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 9,56%, chiếm 20,25% (cuối năm 2021 tăng 17,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,19%); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 0,73%, chiếm 2,65% (cuối năm 2021 tăng 12,98%, cùng kỳ năm 2021 tăng 8,98%)...

Về kết quả cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), các TCTD đã thực hiện: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng; (ii) Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 92 nghìn tỷ đồng với hơn 561 nghìn khách hàng.

Các chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 9 tháng năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ, tạo việc làm cho trên 660 nghìn lao động, giúp trên 4,9 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập: Giải ngân cho hơn 82 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng khoảng 1.140 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng hơn 01 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 07 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...

Nỗ lực đưa chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đi vào cuộc sống

Ngày 11/01/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và một số Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11). Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước 2%/năm (tối đa 40.000 tỷ đồng) trong 02 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực.

Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống NHTM. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo Nghị định, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các NHTM thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh (Nghị định số 31).

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31, ngành Ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách:

(i) Ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các NHTM và chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai chính sách; theo đó, đã yêu cầu các NHTM chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khách hàng có các khoản vay ký kết và giải ngân từ ngày 01/01/2022 thuộc các ngành được hỗ trợ lãi suất để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

(ii) NHNN cũng đã tổ chức 04 hội nghị toàn quốc và NHNN chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố, cũng đã báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và phối hợp các sở, ban, ngành trên địa bàn tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa phương để triển khai chính sách và giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

(iii) Tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các NHTM và chi nhánh các NHTM đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong trường hợp không được các NHTM cho vay và hỗ trợ lãi suất theo quy định; bản thân các NHTM cũng tích cực truyền thông, thông tin tới các khách hàng thuộc đối tượng để hỗ trợ cho khách hàng.

(iv) NHNN đã chủ trì thành lập các đoàn công tác liên ngành để khảo sát, nắm bắt thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất tại một số địa phương; đồng thời, đã chỉ đạo NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động khảo sát trực tiếp tại các chi nhánh NHTM và khách hàng để nắm bắt thực tế triển khai.

Thực tế, kết quả triển khai chương trình chưa được như kỳ vọng do một số nguyên nhân. Về phía khách hàng, có khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, do tâm lý e ngại khâu hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các NHTM cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của NHTM. Trường hợp khác, khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, trong đó có nguyên do là nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh)... Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Ngoài ra, cả NHTM và khách hàng đều gặp khó khăn trong việc bóc tách và theo dõi hóa đơn, chứng từ chứng minh trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành (khó bóc tách chi phí chung cho ngành được hỗ trợ lãi suất và ngành không được hỗ trợ lãi suất, hoặc khách hàng vừa chế biến - thuộc ngành công nghiệp chế biến, vừa kinh doanh thương mại…).

Điều hành tín dụng đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát

Chiều 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465/466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Nghị quyết quyết nghị tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

Về các giải pháp cho năm 2023, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, NHNN tiếp tục chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra các giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng, thời điểm hợp lý. “Sự phù hợp ở đây không chỉ là với xu thế của thế giới mà còn phù hợp với thực tiễn và đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như bảo đảm an sinh xã hội…” - Thống đốc nhấn mạnh.

Đối với hoạt động tín dụng, NHNN cho biết tiếp tục điều hành tín dụng đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.  

NHNN tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững,  phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, về phía NHNN tiếp tục xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; tiếp tục phối hợp bộ, ngành, địa phương ghi nhận các khó khăn vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các NHTM chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách.

Để chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có thể đến với nhiều đối tượng thụ hưởng hơn nữa, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh quá trình thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất cho NHTM; các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…
 
Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III/2022.
2. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
3. https://quochoi.vn 

Phương Chi (Hà Nội)

 

 

Theo: Tạp chí Ngân hàng