Tín dụng chính sách: Tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn

(Banker.vn) Việt Nam là một trong những quốc gia làm tốt chiều cạnh giảm nghèo trong mục tiêu thiên niên kỷ, và tín dụng chính sách có vai trò rất lớn trong quá trình này.
Hành trình 21 năm gieo niềm tin và khát vọng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách Tín dụng chính sách: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi Phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau

Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 20 năm qua, tín dụng chính sách đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo - “chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước” theo chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tín dụng chính sách: Tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 6,4 triệu lao động; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng gần 772 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23…

Tín dụng chính sách có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiều khía cạnh của sự phát triển, không chỉ cho vùng miền núi, vùng khó khăn mà cho sự phát triển chung của đất nước.

Kinh tế học người ta hay nói về “vòng luẩn quẩn”. Chính “vòng luẩn quẩn” này cho thấy vì sao tín dụng chính sách lại có ý nghĩa đòn bẩy đến vậy. Người nghèo thường không có tiết kiệm, không có đầu tư, từ đó khó phát triển. Tín dụng chính sách đóng vai trò hỗ trợ, bù đắp cho nhóm đối tượng này để họ có nguồn lực tiến lên và bứt phá.

Hiện nay nói đến phát triển không đơn thuần chỉ là tăng trưởng, là thu nhập được nâng lên - đó là những điều quan trọng, nhưng phát triển còn phải là bền vững, là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt là Việt Nam, chúng ta không chờ đến khi chúng ta giàu mới xử lý những vấn đề xã hội, mà chúng ta triển khai đồng thời cùng sự phát triển đất nước.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia làm tốt nhất chiều cạnh giảm nghèo trong mục tiêu thiên niên kỷ; bây giờ chúng ta đang thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, và tín dụng chính sách vẫn có vai trò rất lớn trong quá trình này.

Một điều nữa, tín dụng chính sách đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới, cải cách của Việt Nam. Công cuộc đổi mới, nhất là trong kinh tế, thực chất là mở rộng cơ hội lựa chọn cho người dân, ví dụ như quyền kinh doanh, khả năng sáng tạo… bằng kinh tế thị trường, bằng mở cửa hội nhập; và điều quan trọng là nâng cao năng lực cho người dân, doanh nghiệp. Không chỉ là đưa tiền, mà là sử dụng linh hoạt, hợp lý các nguồn lực để thúc đẩy năng lực nội tại của nhóm đối tượng được hỗ trợ, như việc hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ giảm nghèo bền vững… Như chúng ta thường nói là cho “cần câu” chứ không chỉ cho “cá”. Có thể nói tín dụng chính sách đã tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn hơn.

Tín dụng chính sách: Tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn
Hiện nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là rất lớn

Tận dụng nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực cho đối tượng thụ hưởng

Nói đến tín dụng chính sách nghĩa là chúng ta ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng yếu thế của xã hội. Sự ưu đãi ở đây mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, vẫn cần có những giải pháp thiết thực hơn để thúc đẩy kinh tế khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo đó, trong quá trình phát triển, nguồn lực của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng đòi hỏi phải lớn hơn rất nhiều. Phạm vi triển khai tín dụng chính sách sẽ rộng hơn những câu chuyện chúng ta thường nói là hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ học sinh sinh viên đi học…

Như đã nói, những gói hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ đồng bào cần tạo điều kiện cho họ nâng cao năng lực nội tại. Chúng ta có những gói hỗ trợ cho hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, có cả những chương trình lớn như OCOP. Chính sách cho vay cần gắn với kết nối để hỗ trợ nguồn đầu ra, phân phối sản phẩm,… nhất là các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ ở vùng sâu vùng xa.

Có lẽ ở góc độ cung cấp nguồn lực thì hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội có rất nhiều ưu thế: sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mức độ giám sát đầy đủ của các bên, tính minh bạch và những ưu đãi đặc biệt về quy trình, thủ tục, cách tiếp cận giữa người cho vay và người đi vay... Nếu chúng ta làm tốt công tác ủy thác thì nguồn lực của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được tận dụng tốt hơn. Do đó, cách nhìn nhận, triển khai để tạo nguồn lực, nguồn vốn chính sách cho xã hội là rất quan trọng, làm sao tạo tính kết nối, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Một trong những bài học tiêu biểu là tỉnh Sơn La. Cách đây 5 - 7 năm có lẽ người dân Hà Nội rất ít biết về đặc sản, sản phẩm của Sơn La. Nhưng bây giờ sản phẩm Sơn La rất nổi tiếng. Tín dụng chính sách bên cạnh việc phát triển các mặt hàng OCOP, các sản phẩm đặc sản của địa phương còn gắn kết doanh nghiệp, hỗ trợ người dân biết cách phân phối hàng hóa, bán hàng online hiệu quả. Tôi nghĩ đó là một trong những bài học để góc nhìn của Ngân hàng Chính sách xã hội không dừng lại ở cho vay, ưu đãi mà hướng đến mục đích gắn với nâng cao năng lực.

Hiện nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là rất lớn, tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn chính sách hiện còn hạn hẹn, rất nhiều đối tượng chính sách chưa thể tiếp cận được nguồn này Vậy làm thế nào để các chính sách hỗ trợ về tín dụng của chúng ta mang tính dài hơi, bền vững hơn?

Trước tiên, chúng ta cần làm tốt hơn việc thống kê: Con số cụ thể trong các chương trình giảm nghèo, những trường hợp thực sự thoát nghèo bền vững nhờ chính sách cho vay, tỷ lệ là bao nhiêu, trường hợp nào chưa thành công… Từ những thống kê cụ thể sẽ giúp nhìn nhận lại và rút ra những bài học cần thiết để nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, đồng thời góp phần lan tỏa những kết quả tích cực.

Thứ hai, trong thời gian tới, đối tượng, phạm vi cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội có thể sẽ rộng lớn hơn, vậy cách huy động nguồn lực phải khác. Bên cạnh việc ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cần có nhiều nguồn lực khác như: Các địa phương trích từ ngân sách địa phương, nguồn đóng góp của các doanh nghiệp cho công tác xóa đói giảm nghèo, xử lý những vấn đề xã hội…

Thứ ba, chính sách xã hội nên chú trọng đến tín dụng xanh. Lĩnh vực này không chỉ liên quan đến những doanh nghiệp lớn mà có thể bắt đầu từ những sản phẩm địa phương, chương trình OCOP. Bởi tiêu chí xanh, bền vững là xu thế toàn cầu. Trong quá trình triển khai cần cho thấy việc này mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong dài hạn cũng như xây dựng hình ảnh, thương hiệu tốt hơn.

Nhấn mạnh lại, trong bất kỳ trường hợp nào, về dài hạn, ý nghĩa và vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, tín dụng chính sách còn rất quan trọng, kể cả khi chúng ta thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, lúc đó chúng ta vẫn còn không ít vấn đề xã hội cần xử lý.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục