Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển và tôm hùm

(Banker.vn) Diện tích nuôi biển nước ta hơn 256.000ha, sản lượng dự báo gần 800.000 tấn nhưng khó trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường...
Ngành nuôi biển có thể xuất khẩu 10 - 15 tỷ USD mỗi năm Khánh Hòa thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Cần làm gì để phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững?

Ngày 25/11, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT; các bộ, ngành, địa phương; các hiệp hội ngành hàng, tổ chức quốc tế; doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản.

Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển
Toàn cảnh hội nghị

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hoá lớn; đối tượng nuôi phong phú, có giá trị cao.

Năm 2022, diện tích nuôi biển đạt 256,5 ngàn ha, sản lượng đạt gần 750 ngàn tấn, tôm hùm đạt xấp xỉ 3.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800 nghìn tấn, tôm hùm ước đạt 4.000 tấn.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,…

Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhìn nhận, công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển, đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Theo ông Trần Công Khôi - Trưởng Phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đối với nuôi tôm hùm, nguồn cung thức ăn cho tôm hùm cũng không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Cùng với đó, chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nên xảy ra tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"...

Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển
Bè nuôi tôm hùm của người dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà). Ảnh: Minh Toàn

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) - thông tin, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm hùm chính của nước ta, chiếm tới 98-99%. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022 (đạt hơn 95 triệu USD). Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Đối với tôm hùm bông, nước này vừa đặt ra nhiều yêu cầu mới.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, bà Vương Thị Oanh - đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đề nghị, các nhà quản lý và hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, người nuôi cần tận dụng những lợi thế sẵn có để thúc đẩy hoạt động thủy sản, trong đó tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu.

Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển
Bà Vương Thị Oanh - đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu

Đồng thời, nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tiếp tục tích cực cập nhật thông tin từ các thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thương mại hàng hóa thế giới có nhiều biến động, để từ đó chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, giao thương phù hợp; tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)...

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc...

Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nuôi biển
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận

Về thị trường tôm hùm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định. Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định hai nước để gửi cho phía Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển trong nước và trên thế giới; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ. Tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại sản phẩm từ nuôi biển ở trong nước và quốc tế....

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương