Tìm giải pháp tăng thanh khoản cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

(Banker.vn) Thanh khoản là "mạch máu" của thị trường chứng khoán, phản ánh sức sống và sự hấp dẫn của từng cổ phiếu. Năm 2024, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nhiều mã cổ phiếu lên sàn đã nhiều năm, kết quả kinh doanh khả quan nhưng lại có thanh khoản rất thấp, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đăng tải loạt bài viết phản ánh thực trạng thanh khoản yếu của các DN tốt và đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.

Bài 1: Thấy gì từ bức tranh thanh khoản của cổ phiếu?

Năm 2024, thị trường chứng kiến dòng vốn nước ngoài bị rút, cổ phiếu bị bán ra bởi khối ngoại khá lớn. Tuy nhiên, lực cầu của nhà đầu tư trong nước đã hấp thụ khá tốt giúp thị trường cân bằng, thanh khoản được đảm bảo. Bức tranh thanh khoản thị trường phân hóa khá sâu sắc khi dòng tiền tìm đến những cổ phiếu vốn hóa lớn trong các ngành dịch vụ tài chính, bất động sản, công nghệ.

Thanh khoản thị trường năm 2024 tăng nhẹ

Theo số liệu từ HOSE, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023.

Tình hình giao dịch cổ phiếu trên HOSE ghi nhận mức tăng trưởng khá. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trong năm 2024 đạt hơn 195 tỷ chứng khoán với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 781,84 triệu chứng khoán/ngày, tăng 0,83% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến chỉ số VN-Index 2024
Diễn biến chỉ số VN-Index 2024

Tổng giá trị giao dịch đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân 18.685 tỷ đồng/ngày, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 chiếm tỉ trọng gần 8,09% về khối lượng và 10,38% về giá trị giao dịch. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 90.311 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, HOSE đang niêm yết và giao dịch chính thức 393 mã cổ phiếu, 16 mã chứng chỉ quỹ ETF, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng và 114 mã chứng quyền có đảm bảo (CW). Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt hơn 168,54 tỷ chứng khoán và giá trị chứng khoán niêm yết đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% về khối lượng và 9,34% về giá trị so với cuối năm 2023.

Năm 2024, HOSE đã cấp phép niêm yết và đưa vào giao dịch 10 mã cổ phiếu với khối lượng đạt hơn 2,54 tỷ cổ phiếu. Bên cạnh đó, HOSE tiếp tục rà soát về chất lượng chứng khoán niêm yết, ra quyết định hủy niêm yết 11 mã cổ phiếu không đạt điều kiện niêm yết và giao dịch với khối lượng 2,18 tỷ cổ phiếu.

Theo thống kê của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2024, thị trường niêm yết tại HNX có 311 mã cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa đạt khoảng 13,6 tỷ USD và giá trị giao dịch trung bình khoảng 38,3 triệu USD vào cuối tháng 12/2024, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2023.

Khối lượng và giá trị giao dịch bình quân 3 năm trở lại đây
Khối lượng và giá trị giao dịch bình quân 3 năm trở lại đây

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tại HNX có xu hướng giảm từ năm 2020 đến nay, từ 355 doanh nghiệp niêm yết giảm xuống chỉ còn 311 doanh nghiệp. Theo lãnh đạo của HNX, ngoài lý do số lượng doanh nghiệp niêm yết mới ít, chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp/năm, còn thêm lý do từ năm 2021, điều kiện niêm yết trên HNX được nâng lên, một số DN không đáp ứng điều kiện niêm yết.

Phân hóa rõ nét

Trong năm 2024, thanh khoản thị trường chứng khoán tập trung chủ yếu vào các ngành vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính và thép. Trong khi đó, các nhóm ngành còn lại có thanh khoản thấp hơn đáng kể, thậm chí nhiều cổ phiếu ghi nhận khối lượng giao dịch rất khiêm tốn. Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường. Động lực này đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự hồi phục thanh khoản, với giá trị giao dịch của nhóm cá nhân tăng 22,7%.

Trên HoSE, nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 77,7 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 66 nghìn tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh, đối ứng với lực bán ròng mạnh từ khối ngoại.

Những mã chứng khoán có khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng gần đây lớn nhất trị trường, trong danh sách dễ dàng nhận thấy sự áp đảo của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng
Những mã chứng khoán có khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng gần đây lớn nhất trị trường, trong danh sách dễ dàng nhận thấy sự áp đảo của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng

Theo ngành, nhóm nhà đầu tư cá nhân tập trung mua ròng vào 13/19 ngành, nổi bật là ngân hàng, bất động sản, và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, họ bán ròng ở một số ngành như bán lẻ, hàng cá nhân và vận tải thủy. Mặc dù tích cực giao dịch, phần lớn nhà đầu tư cá nhân không đạt lợi nhuận mong đợi, do nhiều cổ phiếu sau khi được mua ròng lại đi ngang hoặc giảm giá.

Cao điểm mua ròng diễn ra vào tháng 5-6/2024, khi VN-Index tăng hơn 20% từ đáy tháng 10/2023, tiến gần vùng 1.300 điểm. Các cổ phiếu được ưa chuộng gồm nhóm Vingroup (VHM, VIC, VRE), ngân hàng (VCB, CTG, BID), thép (HPG), và công nghệ thông tin (FPT, CMG). Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, nhiều mã như HPG, SSI, và DGC lại giảm giá hoặc đi ngang.

Bước sang năm 2025, thanh khoản tiếp tục xu hướng suy giảm, rơi xuống mức thấp nhất trong 15 tháng sau phiên giao dịch sáng 8/1/2025.

Khảo sát cho thấy trong 3 tháng gần đây, chỉ có 9 mã cổ phiếu trên HNX và HSX đạt khối lượng giao dịch trung bình trên 10 triệu cổ phiếu/phiên, bao gồm: DXG, HPG, VIX, VPB, SSI, TPB, VHM, STB, và TCB.

Trong khi đó, có 105 mã có khối lượng giao dịch trung bình từ 1 triệu đến 10 triệu cổ phiếu, 214 mã từ 100.000 đến 1 triệu cổ phiếu, và 1.285 mã ghi nhận khối lượng giao dịch trung bình dưới 100.000 cổ phiếu.

Vì sao nhiều cổ phiếu tốt nhưng kém thanh khoản, đây là vấn đề Kinh tế Chứng khoán Việt Nam muốn đi sâu phân tích nhằm tìm ra những kiến giải hữu ích cho thị trường, các doanh nghiệp và nhà đầu tư
Vì sao nhiều cổ phiếu tốt nhưng kém thanh khoản, đây là vấn đề Kinh tế Chứng khoán Việt Nam muốn đi sâu phân tích nhằm tìm ra những kiến giải hữu ích cho thị trường, các doanh nghiệp và nhà đầu tư

Điều đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và cổ tức hấp dẫn vẫn không thu hút được dòng tiền.

Một số cái tên tiêu biểu là: Sơn Á Đông (ADP), Gỗ Đức Thành (GTD), Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL), Nam Việt (NAV), và Bóng đèn Rạng Đông (RAL)…

Hiện tượng này đặt ra câu hỏi, vì sao các cổ phiếu tốt lại không có thanh khoản hoặc thanh khoản rất yếu? Trong bài viết sau, các phân tích sâu hơn sẽ giúp tìm lời giải cho bài toán này, đồng thời làm rõ triển vọng giao dịch của những cổ phiếu trên trong bối cảnh thị trường hiện tại.

Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn "tắc" thanh khoản

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục