Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

(Banker.vn) Năm 2023, Việt Nam có được những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022. Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới (đạt gần 740 tỉ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp

Năm 2023, Việt Nam có được những thuận lợi cơ bản từ đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022. Đến nay, Việt Nam  nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới (đạt gần 740 t USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Theo báo cáo Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022” do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160) về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo; xếp hạng này dựa theo 39 chỉ số trên ba trụ cột (chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kĩ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn.
 


Thấu hiểu và chia sẻ cùng doanh nghiệp, ngân hàng luôn sẵn sàng cùng khách hàng vượt khó, phục hồi sản xuất, kinh doanh

Việt Nam còn được xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 của tạp chí Mỹ, US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 t USD, GDP bình quân đầu người là 11.553 USD; Bảng xếp hạng “dựa trên điểm trung bình được tính từ năm yếu tố liên quan đến quyền lực của một quốc gia: Sự lãnh đạo, có ảnh hưởng kinh tế, chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát được sự ổn định vĩ mô, sự tăng trưởng cao của thị trường trong nước thông qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% (loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%) so cùng kì năm 2022. Việt Nam đang tiếp tục khai thác các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; Chỉ số hạnh phúc toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2023.  

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều nền kinh tế trên thế giới có nhiều khó khăn hơn từ  năm 2022. Những khó khăn nổi bật gắn với suy giảm tổng cầu tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới chậm lại (năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,9% GDP theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đạt 2,6% theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đạt 2% theo Fitch Ratings và chỉ đạt 1,7% theo Ngân hàng Thế giới (WB), với mức tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đạt 3,6%, Malaysia đạt 4,0%, Indonesia đạt 4,8%, Philippines đạt 5,4% và Việt Nam đạt 6,3%); áp lực lạm phát và nợ công, nợ xấu ở mức cao; tổng cầu thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam. Giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định (90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là để nhập nguyên liệu sản xuất); thị trường năng lượng và nhiều xung đột địa chính trị khu vực diễn biến bất thường và gây hệ lụy tiêu cực khó lường cho kinh tế mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đối diện với tình trạng giảm sút đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu và gia tăng các hàng rào kĩ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn; nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc sụt giảm đơn hàng từ quý IV/2022, chỉ đảm bảo khoảng 35 - 50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng và khó khăn dự kiến kéo dài hết quý II/2023.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sức cạnh tranh và khả năng đổi mới sáng tạo không cao, lợi nhuận thấp, dễ bị tổn thương, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ngoại nhập; vốn vay tín dụng chịu lãi suất cao, sự trì trệ của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và các chi phí không chính thức chậm cải thiện; nợ của nhiều doanh nghiệp đang tăng mạnh (cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2021, chiếm tỉ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế và cao nhất trong 5 năm qua; 41 tổ chức tín dụng nắm giữ 274.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, 117.016 tỉ đồng trong lĩnh vực bất động sản và dễ trở thành nợ xấu)... Thực tế khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, giờ làm, dẫn đến giảm động lực tăng trưởng kinh tế, tăng áp lực thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, GDP ước tính tăng 3,32% so với cùng kì năm trước (thấp hơn mức tăng cùng kì năm 2021 và năm 2022), ghi nhận mức tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, đang có xu hướng suy giảm nhiều chỉ số kinh tế quan trọng như: Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kì năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kì năm 2022 (cùng kì năm 2022 tăng 6,6%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước. Cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng kí, giảm 32,8% vốn đăng kí bình quân và giảm 12,8% về số lao động, giảm 35,8% tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế so với cùng kì năm 2022. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm 10% và tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kì năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức ít hơn số gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,1%), ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%) và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%). Đồng thời, có tới 38,5% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi đánh giá gặp khó khăn trong quý I/2023 so với quý IV/2022 và 20,6% số doanh nghiệp dự báo quý II/2023 sẽ khó khăn hơn quý I/2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 (bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 5,45 tỉ USD, giảm tới 38,8% và FDI thực hiện cũng giảm so với cùng kì năm trước....

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỉ USD, giảm 13,3% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7% và xuất siêu 4,07 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỉ USD, tăng 238,3%; nhập khẩu dịch vụ 5,66 tỉ USD, giảm 4,3%; nhập siêu dịch vụ là 216 triệu USD.

Ngoài ra, năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Quý I/2023, CPI bình quân tăng 4,18% so với cùng kì năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01%. Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 1,61% so cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03% (theo NHNN, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kì năm 2022. Đây là mức tăng thấp và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2021, thời kì cao điểm đại dịch Covid-19). Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (giá hiện hành) ước đạt 583,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3,7% so với cùng kì năm trước (vốn khu vực Nhà nước chiếm 26,2%, tăng 11,5%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,4%, giảm 1,1%).
 
Những giải pháp cần có cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh chung khó khăn đó, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Bất cứ lúc nào, đặc biệt những lúc khó khăn, Chính phủ luôn thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ...

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả tốt như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí). Để bứt phá tăng tốc phát triển kinh tế đất nước và mỗi địa phương trong thời gian tới, cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Từ ngày 03/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,3 - 0,5%/năm sau khi đã giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành (không bao gồm lãi suất tái cấp vốn) từ ngày 15/3/2023. Theo tinh thần Văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/ 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi; rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lí phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…), đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng… và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Thực tế đòi hỏi NHNN cần tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá; chủ động sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở, hạ lãi suất điều hành và một số mức lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản, khuyến khích các tổ chức tín dụng cải thiện mặt bằng lãi suất vay, nhanh chóng giải ngân cho các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện hoặc vay và khả năng trả nợ. Theo nhiều chủ doanh nghiệp, để đầu tư mở rộng sản xuất, đón đầu nhu cầu thị trường dự kiến sẽ cải thiện từ quý III/2023 thì doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn 7 - 10 năm, với lãi suất không quá 10%/năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần tiếp tục nỗ lực, đồng bộ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lí những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khơi dậy nội lực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia và liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại, phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, tuân thủ đúng pháp luật, đạo đức và văn hóa kinh doanh; nâng cao bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường trên thị trường hiện nay, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất kiểm soát; xây dựng uy tín và bảo vệ giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, không chỉ trong tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, phối hợp với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn trong chủ động nghiên cứu, đánh giá và dự báo thời cơ, thách thức, xu hướng thị trường, công nghệ và yêu cầu phát triển bền vững, để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho các hội viên; mở rộng đội ngũ và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên; đại diện quyền lợi cho các hội viên trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài. Doanh nghiệp khỏe, doanh nhân khỏe, thì cả hệ thống sẽ phát triển bền vững.
 
TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)
 
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng